Bộ TT&TT sẽ phối hợp Bộ Công an xử lý trạm BTS giả

Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công an để điều tra, xử lý các đối tượng sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.


Theo thông tin từ Bộ TT&TT, trong tháng 4 vừa qua, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) để phát hiện và xử lý các trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác.


Cụ thể, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 2 trạm BTS giả tại Hưng Yên và Thái Nguyên dùng để phát tán tin nhắn lừa đảo. Trong quá trình điều tra mở rộng, cơ quan chức năng đã bắt giữ thêm 1 trạm BTS giả tại Bắc Giang.


Khi đối tượng dùng trạm BTS giả, người dùng di động trong bán kính vài trăm mét quanh đó sẽ đồng thời nhận được tin nhắn rác có cùng một nội dung. Ảnh: Trọng Đạt

Từ đầu năm đến nay, với cùng thủ đoạn này, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực phía Bắc.


Trước đó, trong tháng 3/2023, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt 8 vụ, thu giữ 9 trạm BTS giả tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Thanh Hóa, Quảng Nam.


Ban đầu, những đối tượng này đặt trạm BTS giả tại một địa điểm cố định để phát tín hiệu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, để tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng, các đối tượng đã đưa những thiết bị BTS giả lên các phương tiện giao thông, di chuyển và dừng đỗ liên tục trong quá trình phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.


Lợi dụng lỗ hổng của công nghệ 2G, mỗi lần phát sóng bằng trạm BTS giả, các đối tượng xấu có thể tung ra hàng loạt tin nhắn tới người dùng di động trong bán kính vài trăm mét. Những tin nhắn này có thể là tin nhắn quảng cáo các dịch vụ bị cấm như cờ bạc trực tuyến, cũng có thể là tin nhắn chứa nội dung lừa đảo, dẫn dụ người dùng truy cập vào các đường link giả mạo để đánh cắp thông tin cá nhân.


Do các đối tượng liên tục thay đổi cách thức thực hiện, nên lực lượng chức năng đã phải sử dụng đến các phương tiện kiểm soát lưu động để định hướng, dò tìm vị trí của các trạm BTS giả.


Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc khẳng định Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công an để điều tra, xử lý các đối tượng sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của loại tội phạm này, người dân khi nhận được các tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, tin nhắn có nội dung chứa các đường liên kết (link) lạ,... không nên thực hiện theo yêu cầu của các tin nhắn này hoặc không ấn vào các link để đề phòng bị kẻ xấu lừa đảo.


Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT sáng 5/5, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để điều tra xử lý các trạm BTS giả. Đây là 1 trong 6 giải pháp được thực hiện đồng thời để giải quyết tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi rác.


Ngăn chặn lừa đảo Deepfake phải xử lý tài khoản ngân hàng không chính chủ

Ngăn chặn lừa đảo Deepfake phải xử lý tài khoản ngân hàng không chính chủ

Công nghệ Deepfake, sử dụng AI để tạo ra hình ảnh giả mạo, đang được những kẻ lừa đảo trực tuyến dùng vào mục đích lừa nạn nhân chuyển tiền.
Thủ đoạn moi tiền trăm triệu từ những tin nhắn rác lừa đảo

Thủ đoạn moi tiền trăm triệu từ những tin nhắn rác lừa đảo

Nếu nhận được yêu cầu chuyển tiền, đăng nhập hoặc cung cấp các thông tin cá nhân từ người lạ, người dùng di động cần từ chối ngay, bởi đó là thủ đoạn quen thuộc của những kẻ lừa đảo.