Cách đây ít ngày, một đoạn video dài chưa tới nửa phút đã lan truyền mạnh trên nhiều kênh mạng xã hội. Đoạn video ngắn này ghi lại một chiếc VinFast VF8 được kích hoạt tính năng Hỗ trợ lái nâng cao (ADAS), đang tự chạy trên đường cao tốc. Điều gây chú ý trong đoạn video này là người lái không xuất hiện trên ghế lái.
Vụ tài xế VF8 'nhảy' khỏi ghế lái, mặc xe tự chạy: Minh chứng thực tế 1 điều Tesla, VinFast, Peugeot đều thất bại?
Ngay sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người đã tỏ ra vô cùng phẫn nộ với hành động thiếu trách nhiệm của người lái xe. Nhiều người dùng mạng cho rằng hành động này như canh bạc mà đặt cược bằng tính mạng người ngồi trên xe lẫn người cùng tham gia giao thông.
Nhiều người dùng mạng tỏ ra bất bình với hành động nhảy khỏi ghế lái của tài xế VF8.
Hành vi lái xe thiếu trách nhiệm và nguy hiểm này hiển nhiên không được pháp luật của bất cứ quốc gia hay khu vực nào ủng hộ. Tuy nhiên, để đảm bảo việc này không xảy ra thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, có thể nêu điển hình là ý thức của chính người lái và cách mà chiếc xe giám sát người lái.
CẢNH BÁO YẾU ỚT
Theo phân loại của Hiệp hội Kỹ sư Ô tô Mỹ (SAE - Society of Automotive Engineers), phần nhiều tính năng hỗ trợ lái có trên VinFast VF8 đang đạt cấp độ 2 trên thang 5 cấp tự lái.
Với cấp độ 2, người lái vẫn là người chịu trách nhiệm điều khiển chiếc xe (ngay cả khi không đánh lái và chân không chạm vào bàn đạp ga hay phanh). Không những chịu trách nhiệm điều khiển, người lái vẫn phải chủ động kiểm soát môi trường giao thông xung quanh, cũng như giám sát hoạt động của hệ thống hỗ trợ lái.
Cần nhắc thêm rằng hệ thống ADAS - Advanced Driver Assistance Systems có tên tạm dịch sang tiếng Việt là Hệ thống Hỗ trợ Lái xe Nâng cao, tức là hệ thống này chỉ mang tính hỗ trợ, không phải hệ thống có khả năng tự lái.
Các cấp độ tự lái và mô tả. Nguồn: SAE International
Để đảm bảo hệ người lái sử dụng thống hỗ trợ lái vận hành đúng chức năng và mục đích thì nhiều hãng xe thường có các biện pháp kiểm soát người lái.
Ví dụ trên Tesla, hãng xe điện Mỹ đặt cảm biến trọng lượng trên vô lăng để khi người lái đặt tay lên vô lăng, chiếc xe có thể cảm nhận rằng tay người lái vẫn ở trên vô lăng và sẵn sàng can thiệp trong tình huống chiếc xe không thể tự xử lý. Với VinFast VF8, chiếc xe yêu cầu người lái nắm vào vô lăng. VinFast VF8 cũng đưa ra cảnh báo và yêu cầu nắm vào vô lăng sau một quãng thời gian không cảm nhận được tay người lái trên vô lăng.
Khoảnh khắc một người ngồi hàng ghế sau chạm vào vô lăng khi xe phát cảnh báo. Ảnh cắt từ video
Ngoài cảm biến gắn ở vô lăng, nhiều mẫu xe còn được trang bị camera bên trong xe để giám sát người lái, đưa ra cảnh báo khi có dấu hiệu dẫn đến tình huống lái xe nguy hiểm. Chiếc camera này thuộc Hệ thống Giám sát Người lái (DMS - Driver Monitoring System), có chức năng thu hình ảnh, gửi về máy tính xử lý, từ đó xác định các tình huống như tài xế buồn ngủ, dùng điện thoại hoặc không nhìn đường.
VinFast VF8 là mẫu xe được trang bị tính năng DMS với camera theo dõi gắn ngay sau tay lái. Trong video người lái nhảy khỏi ghế lái, camera giám sát đã bị che có chủ đích, có thể đã vô hiệu hóa hệ thống giám sát người lái.
Camera giám sát người lái đã bị che. Ảnh cắt từ video
Tạm gác lại ý thức của người lái, liệu rằng hệ thống giám sát trên xe đã quá dễ dãi khi bị che mắt mà vẫn có thể hoạt động bình thường, dẫn đến tình huống nguy hiểm trên?
DỄ BỊ CHE MẮT
Trước đây, một tình huống nhảy khỏi ghế lái tương tự đã từng xảy ra và cũng được người trên xe quay video lại. Tình huống này xảy ra tại nước ngoài, một chiếc Peugeot được kích hoạt hệ thống hỗ trợ lái tự động với một chai nước kẹp trên vô lăng để đánh lừa cảm biến.
Tuy nhiên, tình huống xảy ra sau đó lại không có hậu, khi chiếc Peugeot đi đến đoạn nhập làn, xử lý lúng túng nhưng người lái lại không ở vị trí lái để sửa sai nên chiếc xe đã lao ra khỏi đường và gặp tai nạn.
Người lái nhảy khỏi ghế Peugeot ở Romania - Cái kết không có hậu
Ngoài tình huống xảy ra với chiếc Peugeot nói trên, chủ xe Tesla cũng thường xuyên bị phản ánh ngủ gật khi chế độ hỗ trợ lái tự động đang hoạt động. Cuối tháng 12/2022, một lái xe Tesla tại Đức cũng bị phát hiện ngủ gật khi chế độ hỗ trợ lái tự động đang hoạt động.
Theo đó, cảnh sát đã phát hiện một tài xế Tesla khoảng 45 tuổi đang "ngồi" trên ghế ngả ra sau, tay không cầm lái, mắt nhắm, đang di chuyển trên cao tốc Autobahn hướng đến Bayreuth, Đức. Cảnh sát đã phát tín hiệu dừng nhưng phải 15 phút sau, người lái mới tỉnh dậy và tuân theo hiệu lệch dừng của cảnh sát.
Sau đó, cảnh sát đã tìm thấy một quả nặng gắn với vô lăng để đánh lừa chiếc xe rằng người lái vẫn luôn đặt tay trên vô lăng. Tại Đức, hành vi gây nguy hiểm đến giao thông quy về tội phạm hình sự; người lái xe Tesla này đã bị cấm lái xe cho đến khi tòa đưa ra phán quyết.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, trước video nhảy khỏi ghế lái VF8 trên, nhiều video xuất hiện trên mạng xã hội đã cho thấy các hành vi lái xe nguy hiểm của chủ xe VinFast VF8.
Một chủ xe VF8 tại Mỹ cũng đã liên tục buông tay khỏi vô lăng, tự che mắt, thậm chí còn ngả ghế ra nằm để chứng minh khả năng "tự lái" của chiếc xe.
Ảnh cắt từ video
Một chủ xe VF8 tại Mỹ khác cũng đã "thử nghiệm" nhảy khỏi ghế lái khi xe đang chạy trên cao tốc. Theo như người này tự mô tả thì người này đã chạy thử ADAS 50 km trước đó để đảm bảo tính năng hoạt động tốt, và nhảy khỏi ghế lái khi giao thông trước và sau xe thoáng.
Sau khi nhảy khỏi ghế lái thì việc người này làm để đánh lừa chiếc xe chỉ là nắm vào vô lăng khi chiếc xe phát đi cảnh báo. Đáng chú ý hơn, dường như không có bất cứ thứ gì che camera giám sát người lái.
Một Việt kiều tại Mỹ cũng đã nhảy khỏi ghế lái VinFast VF8. Ảnh cắt từ video
Từ các tình huống này, một câu hỏi khác được đặt ra: Phải chăng các hãng xe đang thất bại trong việc giám sát người lái?
GIẢI PHÁP TRIỆT ĐỂ?
Một giải pháp giám sát người lái từng được đưa ra có thể ngăn chặn được hành vi nguy hiểm trên. Đó là kết hợp cùng lúc 3 biện pháp giám sát: Camera giám sát người lái, Cảm biến trọng lượng ghế lái, và Cảm biến nhiệt.
Để hệ thống hỗ trợ lái vận hành thì cần đáp ứng đủ 3 điều kiện:
- Camera giám sát ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, phát hiện có người ngồi ghế;
- Cảm biến trọng lượng xác nhận rằng có người thực sự đang ngồi tại ghế lái;
- Cảm biến nhiệt xác nhận một lần nữa có vật thể phát nhiệt đang ở vị trí ghế lái.
Nếu như một trong ba điều kiện trên không đáp ứng được thì hệ thống hỗ trợ lái sẽ không thể kích hoạt.
Một chiếc VinFast VF8 tích hợp phần mềm giám sát người lái của VinAI, trình diễn tại CES 2023. Ảnh: VinAI
Song, đó vẫn chỉ là một giải pháp đề xuất chưa toàn diện và nhiều khả năng chỉ hiệu quả trên lý thuyết. Khi áp dụng thực tế, có thể xảy ra tình huống người dùng đặt vật nặng lên ghế lái đánh lừa cảm biến trọng lượng ghế lái, sử dụng ảnh mặt người có kích thước thật để đánh lừa hệ thống camera, và sử dụng một thiết bị hoặc một vật dụng có nhiệt đặt tại ghế lái đánh lừa cảm biến nhiệt. Đó còn chưa kể tới tính khả thi về mặt kinh tế khi có thêm cảm biến sẽ khiến giá chiếc xe đội lên.
Do vậy, phương án giám sát người lái nào toàn diện có lẽ vẫn là một câu hỏi chờ đội ngũ phát triển xe giải quyết.
Hệ thống giám sát người lái thử nghiệm của VinAI tích hợp trên VinFast VF e34, có thể xác định người lái đang sử dụng điện thoại.
Vị trí các cảm biến trên xe Mercedes phục vụ Drive Pilot. Nguồn: Mercedes
Ngoài việc tìm giải pháp giám sát người lái, hệ thống tự lái của Mercedes có lẽ cũng là một trường hợp có thể tham khảo. Cụ thể, Mercedes cung cấp cho khách hàng tại Đức, sắp tới cả ở Mỹ, hệ thống Drive Pilot với khả năng tự lái đạt cấp độ 3 - cao hơn hầu hết các tính năng hỗ trợ lái nâng cao khác mà thường chỉ đạt cấp độ 2.
Với hệ thống Drive Pilot của Mercedes, người lái được phép buông chân ga, thả tay lái và được phép tham gia vào một hoạt động thứ cấp khác khi đang ngồi ở ghế lái - như xem phim, sử dụng điện thoại hay soạn email. Đáng chú ý hơn, Mercedes sẽ chịu trách nhiệm nếu như có tai nạn hoặc vấn đề khác xảy ra khi Drive Pilot vận hành.
Tất nhiên, khi chiếc xe phát ra cảnh báo hoặc yêu cầu cầm lái thì người lái vẫn phải đáp ứng sớm nhất có thể; nếu không thì chiếc xe sẽ tự dừng lại và người lái chịu hoàn toàn trách nhiệm kể từ khi cảnh báo được đưa ra.
Drive Pilot của Mercedes cho phép người lái tham gia hoạt động thứ cấp. Ảnh: Mercedes
Nói về điều kiện vận hành, thay vì yêu cầu người lái đáp ứng điều kiện để hệ thống tự lái vận hành thì Mercedes có các cảm biến môi trường, chỉ vận hành khi thời tiết thuận lợi: Trời quang, đủ sáng, không mưa. Ngoài ra, hệ thống cũng chỉ vận hành với tốc độ tối đa 65 km/h (theo quy định của luật pháp, không phải giới hạn của hệ thống) trên đường cao tốc - những đoạn đường mà đội ngũ phát triển phần mềm đã bản đồ hóa và nạp dữ liệu cho xe.
Tóm gọn, Mercedes cung cấp hệ thống tự lái có trình độ xử lý cao hơn; điều kiện vận hành gần như không phụ thuộc vào người lái.
Lấy link