6 biện pháp xử lý cuộc gọi rác, sắp kiểm tra diện rộng TikTok

Những vấn đề dư luận quan tâm như: SIM không chính chủ, cuộc gọi lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake, định hướng quản lý hoạt động của nghệ sĩ trên mạng... đã được Bộ TT&TT thông tin, giải đáp tại họp báo thường kỳ.


Ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã chủ trì họp báo cuộc họp báo định kỳ, cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, ngành TT&TT trong tháng 4 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ thời gian tới. Viễn thông, an toàn thông tin cùng phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử là 3 lĩnh vực có nhiều vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm.


Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, họp báo định kỳ sẽ được Bộ tổ chức vào ngày 5 hằng tháng. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

6 biện pháp xử lý cuộc gọi rác


Cập nhật về tiến độ sửa chữa các tuyến cáp quang biển, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết, tính đến ngày 3/5, đã có 2 tuyến cáp quang biển là IA và SMW3 hoàn thành việc sửa chữa. Hai tuyến cáp AAE-1 và AAG dự kiến sẽ hoàn thành sửa chữa trong tháng 5. Tuyến cuối cùng là APG dự kiến sẽ được khắc phục xong trong tháng 6.


Đại diện Cục Viễn thông cũng khẳng định, với việc các nhà mạng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, hiện trải nghiệm của người dùng dịch vụ Internet quốc tế đã tương đối ổn định, đáp ứng được nhu cầu.


Về việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, ông Nguyễn Thành Phúc cho hay, sau hơn 1 tháng triển khai, đến nay đã xử lý, bao gồm chuẩn hóa, chặn 1 chiều, chặn 2 chiều và thu hồi, với hơn 3,84 triệu thuê bao thuộc tập mà các doanh nghiệp viễn thông xác định là có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, có dấu hiệu có thông tin không đúng quy định.


Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc thông tin với báo chí tại cuộc họp báo ngày 5/5. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Trong đó, đến ngày 31/3 các nhà mạng đã khóa 1 chiều hơn 1,67 triệu thuê bao; đến ngày 15/4 có 1,15 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều do không thực hiện chuẩn hóa lại; và đến hết 4/5 hiện còn hơn 1 triệu thuê bao thuộc tập này đang bị khoá 2 chiều. “Nếu không chuẩn hóa lại thông tin, đến ngày 15/5, những thuê bao này sẽ bị thu hồi theo quy định”, đại diện Cục Viễn thông cho hay.


Theo kế hoạch, trong các tháng 5, 6/2023, Bộ TT&TT sẽ tổ chức thanh tra diện rộng với sự tham gia của Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Thừa nhận các cuộc gọi rác vẫn đang diễn ra, ông Nguyễn Thành Phúc khẳng định Bộ TT&TT đã và đang có những biện pháp rất kiên quyết để xử lý tình trạng này.


Sáu biện pháp sẽ tiếp tục được Bộ TT&TT tập trung nhằm xử lý cuộc gọi rác, gồm có chỉ đạo các nhà mạng tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý tình trạng SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định (gọi là SIM rác); tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an xử lý các cuộc gọi lừa đảo và điều tra, xử lý các BTS giả.


Song song đó, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến; cung cấp cho người sử dụng các công cụ cho phép họ chủ động ngăn chặn cuộc gọi rác; ngăn chặn và xử lý vi phạm gọi điện quảng cáo vào số điện thoại thuộc danh sách không quảng cáo…


Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Một nội dung nổi cộm, hiện đang được báo chí đặc biệt quan tâm là các cuộc gọi lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake. Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng, ngay từ thời điểm nhận được thông tin phản ánh từ người dân, cơ quan này đã cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về hình thức lừa đảo mới này.


Đại diện Cục An toàn thông tin phân tích, để lấy được tiền của nạn nhân, kẻ lừa đảo cần đến các tài khoản chuyển tiền vào. Những đối tượng này sẵn sàng bỏ tiền ra mua các tài khoản ngân hàng không chính chủ với giá rẻ. Vì thế, cần ngăn chặn các tài khoản không chính chủ này, đồng bộ thông tin tài khoản ngân hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết bài toán căn cơ.


Theo ông Lê Quang Tự Do, việc xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử đã đến công đoạn chỉnh sửa hoàn thiện. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Sắp kiểm tra diện rộng TikTok


Thông tin về kế hoạch kiểm tra toàn diện TikTok Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Bộ đã gửi công văn cho các bộ ngành liên quan đề nghị cử người tham gia đoàn kiểm tra. Dự kiến, công tác kiểm tra sẽ bắt đầu từ ngày 15/5 cho đến hết tháng 5.


Về quản lý hoạt động của nghệ sĩ trên mạng, ông Lê Quang Tự Do đã chia sẻ hướng triển khai đã được 2 bộ VHTT&DL, TT&TT thống nhất. Đó là, sẽ vận động các cơ quan báo chí, cơ quan tổ chức sự kiện ủng hộ Nhà nước, cùng chung tay làm sạch môi trường hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, hai Bộ đã nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc có sử dụng biện pháp "phong sát", "tẩy chay", "cấm sóng". Tuy nhiên, áp dụng vào Việt Nam, Bộ TT&TT thống nhất với Bộ VHTT&DL sử dụng khái niệm hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên các đài phát thanh truyền hình và môi trường mạng.


Doanh thu tăng trưởng 6%


Doanh thu toàn ngành tháng 4/2023 ước đạt 313.475 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với tháng 3 và giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 4 ước đạt 1.139.333 tỷ đồng.


Nộp ngân sách nhà nước tháng 4/2023 ước đạt 8.172 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với tháng trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 4/2023 ước đạt 31.302 tỷ đồng, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.


(Nguồn: Văn phòng Bộ TT&TT)


10 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong tháng 5


Trong đó, có các việc phát hành bộ tem bưu chính “Nhà sàn Bác Hồ trong khu di tích Phủ Chủ tịch”; hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.


Trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện. Phê duyệt kết quả đấu giá băng tần 2.3GHz cho thông tin di động IMT.


Bộ TT&TT còn ra mắt nền tảng hỗ trợ xây dựng và quản lý tuân thủ cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Tiếp tục chấn chỉnh, xử lý báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin điện tử tổng hợp, báo hóa mạng xã hội và biểu hiện tư nhân hóa báo chí.


Đồng thời, triển khai xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Báo chí để chuẩn bị cho công tác lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí; thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chống báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và quản lý quảng cáo xuyên biên giới giai đoạn 2; tổ chức đoàn kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.


(Nguồn: Văn phòng Bộ TT&TT)


Bộ TT&TT thay đổi cán bộ lãnh đạo tại 5 đơn vị

Bộ TT&TT thay đổi cán bộ lãnh đạo tại 5 đơn vị

Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Viễn thông, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Viện Chiến lược TT&TT và Trung tâm Internet Việt Nam là những đơn vị của Bộ TT&TT vừa thay đổi cán bộ lãnh đạo.
Bộ TT&TT yêu cầu nhà mạng rà soát việc hợp tác với 6 doanh nghiệp nước ngoài

Bộ TT&TT yêu cầu nhà mạng rà soát việc hợp tác với 6 doanh nghiệp nước ngoài

Bộ TT&TT vừa có yêu cầu các nhà mạng rà soát hoạt động hợp tác, cho thuê dịch vụ với 6 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam để đảm bảo không vi phạm các quy định.