Không áp dụng “phong sát” nghệ sĩ có sai phạm

Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT thống nhất không dùng từ “phong sát”, cấm sóng vì đây không phải là quy định pháp luật. Hướng triển khai của Việt Nam là vận động các đơn vị hạn chế biểu diễn, hạn chế hình ảnh của những nghệ sĩ có sai phạm.


Thông tin với báo chí tại cuộc họp báo tháng 5 của Bộ TT&TT được tổ chức ngày 5/5, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cùng Bộ TT&TT đã thống nhất quan điểm trong việc xử lý các nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.


Ông Lê Quang Tự Do khẳng định, từ trước đến nay, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử chưa bao giờ dùng từ “phong sát” hay cấm sóng.


Tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023 diễn ra cuối năm ngoái, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng đã thông tin, hai Bộ đã nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước gần với chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc có sử dụng biện pháp "phong sát", "tẩy chay", "cấm sóng". Tuy nhiên, áp dụng vào Việt Nam, Bộ TT&TT thống nhất với Bộ VHTT&DL sử dụng khái niệm hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên các đài phát thanh truyền hình và môi trường mạng.


Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do thông tin với báo chí về biện pháp quản lý người nổi tiếng trên mạng. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Sở dĩ Việt Nam không dùng các từ “phong sát” hay cấm sóng, theo ông Lê Quang Tự Do, là bởi khi dùng các từ này sẽ coi như một quy định pháp luật. Theo luật pháp Việt Nam, để cấm một hoạt động của công dân, nội dung bị cấm cần phải được đưa vào luật.


Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT dự kiến sử dụng 1 biện pháp mềm, đó là vận động các cơ quan báo chí, cơ quan tổ chức sự kiện ủng hộ Nhà nước, cùng chung tay làm sạch môi trường hoạt động biểu diễn. Cụ thể là, không khuyến khích, không mời những nghệ sĩ có vi phạm về đạo đức, có lối sống lệch chuẩn theo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VHTT&DL ban hành năm 2021.


“Hướng triển khai nêu trên được thực hiện trên tinh thần đồng thuận và tự nguyện, không phải quy định pháp luật bắt buộc, và vì vậy chúng tôi không dùng từ phong sát”, ông Lê Quang Tự Do lưu ý.


Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng thông tin thêm, hiện Bộ VHTT&DL đã hoàn thành việc xin ý kiến các cơ quan ban ngành liên quan với “Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức xã hội ”. Hiện tại, việc xây dựng quy trình đã đến công đoạn chỉnh sửa hoàn thiện.


Việc ban hành Quy trình quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức xã hội do Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT. “Bởi lẽ, việc quản lý nghệ sĩ là chức năng nhiệm vụ của Bộ VHTT&DL, tuy nhiên, ở trên môi trường báo chí, môi trường mạng thì liên quan đến Bộ TT&TT nên cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ”, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử lý giải.


Trong báo cáo ngày 27/4 gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vấn đề quản lý hoạt động của các nghệ sĩ trên mạng cũng đã được Chính phủ đề cập.


Theo báo cáo, cử tri phản ánh, thời gian qua, hiện tượng những người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ hoặc mạo danh bác sĩ quân y về hưu... tham gia quảng cáo, bán các loại thuốc tây, thuốc nam, thực phẩm chức năng... trên các trang mạng xã hội nhưng chất lượng không giống như quảng cáo. Điều này đã khiến không ít người tiêu dùng “tiền mất tật mang”, ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng, còn đối tượng lừa đảo thì thu lợi trái phép hàng tỷ đồng gây bức xúc, hoang mang cho người dân. Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp khắc phục tình trạng trên.


Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp khắc phục tình trạng người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật. (Ảnh minh họa: Gia Bảo)

Về vấn đề này, Chính phủ cho biết, hiện nay, 2 Bộ TT&TT và VHTT&DL đang phối hợp xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như ca sĩ, nghệ sĩ... vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử (phát tán, lan truyền tin giả, quảng cáo sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục...) theo hướng hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên đài phát thanh truyền hình, trên môi trường mạng.


Về việc quản lý hoạt động quảng cáo trên các trang mạng xã hội, Chính phủ cho biết, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định chủ thể, hành vi vi phạm về quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhằm kịp thời xử lý; ngăn chặn, xử lý website quảng cáo thực phẩm, bảo vệ sức khỏe vi phạm.


Đồng thời, yêu cầu cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam rà soát toàn bộ hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới; không để tái diễn tình trạng quảng cáo vi phạm.


Cùng với đó, triển khai các biện pháp cần thiết để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, vị trí, ngôn ngữ quảng cáo, nhất là đường link quảng cáo đăng phát trên nền tảng của mình; có thỏa thuận với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo; cân nhắc dừng hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới không thực hiện…


Không áp dụng “phong sát” nghệ sĩ có sai phạm Xây dựng xong quy trình xử lý nghệ sĩ, KOL vi phạm trên mạng vào tháng 10Quy trình xử lý, cụ thể là sẽ hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo với các nghệ sĩ, KOL có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 10 năm nay.