Làn sóng xuất khẩu xe điện từ Trung Quốc đang có dấu hiệu bùng nổ rõ rệt. Gần đây, hãng BYD đã cho ra mắt mẫu xe hatchback Seagull với mức giá gây sốt là 11.300 USD, chốt hơn 11.000 đơn chỉ trong vòng 24 giờ từ ngày pre-sale. Thực chất, sự bùng nổ này vốn đến từ một ‘làn sóng ngầm’ khởi điểm từ những sự chuẩn bị của đất nước này từ tận 20 năm trước.
Yêu cầu chuyển giao công nghệ để rút ngắn khoảng cách
Quay về những năm 2000, xét về công nghệ pin Li-on và hệ thống truyền động điện, Trung Quốc theo sau Nhật Bản những 10 năm. Để bắt kịp, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra ‘Kế hoạch 863’ nhằm đề cao tầm quan trọng của ngành xe điện. Vì đây là một ngành tốn kém nên trong suốt một thập kỷ sau đó, chính sách 863 đã dành ra 242 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp xe điện trong nước.
Cùng lúc đó, Trung Quốc còn yêu cầu các công ty nước ngoài phải thực hiện chuyển giao công nghệ nếu muốn đặt chân vào thị trường nước mình. Ví dụ, năm 2005, Toyota chỉ có thể mở thị trường tại đây nếu đồng ý hợp tác sản xuất xe với tập đoàn FAW Auto của Trung Quốc.
Đến năm 2009, Trung Quốc chính thức đặt ngành xe điện vào trọng tâm kế hoạch "Điều chỉnh và chấn hưng ngành sản xuất xe hơi" nhằm nâng cao năng lực sản xuất nội địa, khuyến khích các công ty Trung Quốc đến năm 2011 phải tự sản xuất được các bộ phận xe điện và đưa ra các mẫu xe mới. Ngoài ra, các công ty còn được giao mục tiêu đạt 5% thị phần xe điện, tương đương với khoảng 500.000 chiếc xe.
Kích cầu tăng 10 lần trong 3 năm nhờ trợ cấp
Để kích cầu, chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp cho 13 thành phố để mua xe điện sử dụng cho dịch vụ công. Đến năm 2010, họ thử nghiệm trợ cấp tiêu dùng cho xe điện tại 5 thành phố cho cá nhân mua hoặc công ty thuê, lên tới 8.070 USD cho một chiếc xe lai sạc điện (PHEV) và 9.684 USD cho một chiếc xe chạy điện hoàn toàn.
Theo Statista, doanh số xe điện ở Trung Quốc kể từ năm 2009 tới năm 2011 đã tăng gấp mười lần từ 480 chiếc lên 4.750 chiếc. Quan trọng hơn, số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế tăng 44%, cho thấy mảng R&D đã có sự phát triển quan trọng.
Đến năm 2012, chương trình trợ cấp tiêu dùng xe điện được đưa tới các thành phố còn lại của Trung Quốc. Năm 2022, các khoản trợ cấp này đã được chấm dứt. Trong suốt 10 năm kể từ 2012, tổng chi phí trợ cấp đã lên tới 15 tỉ USD, theo ước tính của Ngân hàng Thương gia Trung Quốc CMB.
Thị trường xe điện Trung Quốc đã leo lên đứng nhất nhì thế giới, doanh số chiếm gần 60% tổng lượng toàn cầu. Còn trong nội địa, cứ 4 chiếc ô tô bán ra thì có 1 chiếc là xe điện.
Cạnh tranh nội địa trở nên gay gắt
Hiện tại, ở Trung Quốc có hơn 90 hãng xe với khoảng 300 mẫu có giá từ 5.000 USD đến 90.000 USD. Ngoại trừ Tesla là thương hiệu Mỹ, 80% các hãng xe điện nổi tiếng nhất tại đây đều là hàng nội địa, dẫn đầu là BYD với gần 30% thị phần, theo sau là những cái tên lâu năm như Wuling, Chery, Changan hay các start-up mới nổi như Xpeng hay Nio.
Tính cạnh tranh gay gắt đã hạ thấp lợi nhuận của các hãng. Với mỗi chiếc xe điện được bán ra, BYD chỉ đạt lãi ròng 1.000 USD. Xpeng, Neo và Li Auto cũng bán được hàng triệu đô doanh thu trong năm 2022 nhưng không có lãi. Đến năm 2023, Tesla lại ‘đổ thêm dầu vào lửa’ với chiến dịch giảm giá, tăng lượng, kéo theo hơn 40 hãng khác cũng học theo.
Cuộc chiến này cũng giúp hệ sinh thái xe điện của Trung Quốc cắt bỏ nhiều phần thừa. Ngành sản xuất xe điện ở Trung Quốc ngày càng nở rộ nhờ chi phí R&D thấp, quy mô lớn, lao động rẻ. Tại Hội chợ Điện tử Tiêu dùng năm 2023, CEO của hãng Forvia đã nói rằng Trung Quốc có thể sản xuất một chiếc xe điện rẻ hơn châu Âu những 10.000 EUR.
Làn sóng xuất khẩu dần mạnh lên
Sự cạnh tranh gay gắt cũng như lợi thế về chi phí đã khuyến khích các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc ra nước ngoài tìm kiếm thị trường mới. Do thuế cao nên Mỹ không phải điểm đến đầu tiên mà là châu Âu. Năm 2022, các quốc gia nhập khẩu xe điện lớn nhất từ Trung Quốc là Bỉ, Anh, Tây Ban Nha và Slovenia, trong đó 49% là xe Tesla. Xuất khẩu của Tesla sang châu Âu là một dấu hiệu khác cho thấy cấu trúc chi phí vượt trội của chuỗi cung ứng sản xuất xe điện Trung Quốc trái ngược với chuỗi cung ứng ở châu Âu. Tuy nhiên, Tesla cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất ở Đức, từ đó có thể làm giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mẫu ORA Funky Cat của GWM sẽ ra mắt tại Vương quốc Anh với giá khoảng 32.000 Bảng với các tính năng như nhận dạng khuôn mặt và xếp hạng an toàn cao. Trong hai năm qua, BYD đã ra mắt các mẫu xe mang nhãn hiệu BYD tại 16 quốc gia và đặt hàng các tàu sân bay vận chuyển sản phẩm tới Châu Âu và Úc. Xpeng cũng xây dựng các cửa hàng trải nghiệm và trung tâm dịch vụ ở Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy.
Ngoài châu Âu, xe điện Trung Quốc cũng được xuất khẩu sang Đông Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latinh. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là nhà nhập khẩu xe điện lớn thứ năm của nước này.
Trước làn sóng mạnh mẽ này, người ta cũng sẽ không ngạc nhiên nếu sắp tới châu Âu có đặt ra các chính sách bảo hộ. Tuy nhiên, các nhà hoạch định cũng cần cân nhắc đúng hướng vì nhiều nhà sản xuất ô tô châu Âu đang có hoạt động liên doanh tại Trung Quốc.
Tham khảo từ: Asianometry
Lấy link