Hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh không còn bất khả chiến bại

Hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh thường được coi là tấm lá chắn thép, giờ đây có thể dễ dàng bị "qua mặt" bởi một thuật toán cũ có tuổi đời hàng thập kỷ.


Tài liệu tình báo tuyệt mật bị rò rỉ của Ban giám đốc tình báo thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (Mỹ) cho thấy, đầu năm nay một loại tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung mới đã được thử nghiệm thành công.


Tên lửa đạn đạo mới có tên DF-27, do Trung Quốc phát triển và thử nghiệm. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2021, các tên lửa thuộc dự án này có tầm bắn từ 5.000 đến 8.000km. Song, đáng chú ý tên lửa thế hệ mới được trang bị công nghệ “lướt siêu thanh” - tức khả năng né tránh những hệ thống đánh chặn siêu thanh hiện đại nhất hiện nay.


Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, “trái tim” của công nghệ này dựa trên một thuật toán đơn giản, có khả năng phân tích quỹ đạo của những tên lửa đánh chặn, từ đó giúp tên lửa tấn công nâng cao khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ.


Theo bài báo đăng trên tạp chí Kiểm soát và Mô phỏng tháng trước, những cuộc tấn công siêu thanh có tốc độ gấp 8 lần âm thanh, còn gọi Mach 8, được mô phỏng bằng các mô hình máy tính, cho thấy phương pháp này có thể giúp tên lửa siêu thanh tránh bị đánh chặn trong khi sử dụng ít tài nguyên tính toán nhất.


Thuật toán tuổi đời hàng thập kỷ


Vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa là một nhiệm vụ đầy thách thức vì máy tầm nhiệt trong vũ khí siêu thanh chỉ có thể phát hiện ra tên lửa đánh chặn từ xa ở một góc nhìn hạn chế, và điều này cũng thường không cung cấp đủ thông tin xác định chính xác vị trí của tên lửa đánh chặn.


Phương pháp MMAE được cho là có thể giúp tên lửa tấn công vượt qua hệ thống phòng thủ siêu thanh tiên tiến nhất

“Bạn có thể hình dung ra nó, nhưng bạn không thể chắc chắn chính xác nó ở đâu”, một nhà khoa học vũ trụ, yêu cầu giấu tên cho hay.


Trong khi đó, công nghệ “lướt siêu thanh” được phát triển dựa trên kỹ thuật Ước tính Thích ứng Đa mô hình (MMAE) - thuật toán thống kê thường được sử dụng trong kỹ thuật hệ thống điều khiển để đưa ra ước tính khi các quan sát không đầy đủ hoặc không chính xác. MMAE đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và được sử dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm cả phòng thủ tên lửa.


Trong khi các nhà nghiên cứu khác đề xuất sử dụng AI để giải quyết các vấn đề phức tạp trong phòng thủ tên lửa siêu thanh, nhóm kỹ sư MMAE lập luận rằng phương pháp này dù cũ hơn nhưng vẫn hoạt động tốt nếu được tinh chỉnh phù hợp.


Giới nghiên cứu quân sự cho biết, những thông tin về hệ thống phòng thủ tên lửa như trạm radar, vị trí phóng, nhiên liệu đẩy và thậm chí cả mô hình động cơ tên lửa được sử dụng bởi tên lửa đánh chặn đều có thể được thu thập. Nhưng chìa khoá để vô hiệu hoá một tên lửa siêu thanh đánh chặn mục tiêu là việc phát hiện được nó đang sử dụng mô hình toán học nào để tấn công.


MMAE, sau khi được điều chỉnh, có thể xác định được các mô hình này, cũng như một số thông số thiết kế bí mật nhất định của tên lửa đánh chặn đối phương trong vòng 10 phút sau khi phóng và ước tính quỹ đạo của nó với độ chính xác sai số 5 mét.


Cuộc đua siêu thanh


Việc phát triển vũ khí siêu thanh là trọng tâm chính của cả Trung Quốc và Mỹ trong những năm gần đây, vì những vũ khí này được coi là những nhân tố thay đổi cuộc chơi tiềm năng trong chiến tranh hiện đại. Song, điều này cũng có khả năng thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang khi các bên nỗ lực tìm cách “bắt bài” nhau.


Vũ khí siêu thanh có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang mới

Washington đã ưu tiên chi tiêu quân sự để phát triển khả năng phòng thủ mới chống lại vũ khí siêu thanh. Chẳng hạn, hệ thống đánh chặn thế hệ tiếp theo (NGI) sẽ được trang bị các tên lửa đánh chặn nhanh hơn, dễ điều khiển hơn và đáng tin cậy hơn so với các thế hệ tiền nhiệm được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo.


Tên lửa NGI được thiết kế để phóng từ một hầm chứa trên mặt đất, sử dụng cảm biến riêng để định vị và theo dõi các tên lửa siêu thanh đang lao tới. Tiếp đó, nó sẽ sử dụng một hệ thống dẫn đường tiên tiến để tiêu diệt mục tiêu trong không gian.


Các nhà thầu quốc phòng lớn bao gồm Boeing, Lockheed Martin, Raytheon và Northrop Grumman đã tham gia chương trình NGI, với tổng số tiền đầu tư lên tới hàng tỷ USD.


Nhưng các chuyên gia khác đã cảnh báo rằng cuộc chạy đua phát triển tên lửa siêu thanh và các hệ thống vũ khí tiên tiến khác có khả năng làm suy yếu hiệu quả của các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc leo thang ngoài ý muốn.


(Theo Washington Post, SCMP)


Cuộc chiến trong không gian, Mỹ đang có lợi thế gì?

Cuộc chiến trong không gian, Mỹ đang có lợi thế gì?

Trong tương lai, cuộc chiến trong không gian sẽ rất khốc liệt. Hiện tại, Lực lượng Không gian Mỹ đang có được sự hợp tác chặt chẽ của các công ty tư nhân như SpaceX, Virgin Orbit hay United Launch Alliance,...
Cuộc chiến Nga – Ukraine quân sự hóa các công nghệ dân sự như thế nào?

Cuộc chiến Nga – Ukraine quân sự hóa các công nghệ dân sự như thế nào?

Những chiếc máy bay không người lái có thể mua được từ Amazon nay cũng xuất hiện trên chiến trường Ukraine.