Luôn được coi là nghề có sự ổn định và đảm bảo cao trong ngành công nghệ. Tuy nhiên, nhận định này dường như chỉ đúng trong vài năm trước, khi làn sóng sa thải ập tới với nghề kĩ sư phần mềm trong năm 2023.
Theo dữ liệu từ Revelio Labs, một công ty tổng hợp dữ liệu lực lượng lao động có sẵn công khai, các kỹ sư phần mềm có thể là một trong số những đối tượng đầu tiên phải ra đi trong bối cảnh ngành công nghệ sa thải nhân sự trên diện rộng. Trong số 170.000 nhân sự bị các công ty công nghệ sa thải trong năm nay, các kĩ sư phần mềm chiếm gần 20% trong số này. Đây là một con số nói lên nhiều vấn đề, khi nghề kĩ sư phần mềm chỉ chiếm khoảng 14% tổng số nhân lực toàn ngành, theo dữ liệu từ Revelio Labs.
Theo đó, bức tranh toàn cảnh với nghề lập trình, viết code đã ảm đạm hơn rất nhiều so với những gì dữ liệu cho thấy vào mùa thu năm 2022, theo Reyhan Ayas, nhà kinh tế cấp cao tại Revelio Labs. Cụ thể, trong những đợt sa thải trước đó, ‘nạn nhân’ thường là những nhân viên đảm nhận vị trí tuyển dụng nhân sự/HR trong các công ty công nghệ.
Dữ liệu cho thấy, các nhân sự phòng nhân sự, tuyển dụng bị sai thải chiếm gần 8% trên tổng số nhân viên bị sa thải, trong khi con số của kĩ sư phần mềm chỉ là 3,8%. Tuy nhiên, sang đến năm 2023, xu hướng sa thải đã đổi chiều, khi kĩ sư phần mềm trở thành đối tượng chủ yếu phải ‘ra đường".
“Nếu chúng ta nhìn vào số lượng nhân viên bị sa thải vào năm 2023, thì vị trí kỹ sư phần mềm đã vượt qua vị trí nhân viên phòng tuyển dụng”, chuyên gia Reyhan Ayas cho biết.
Ayas cho biết sự thay đổi này cũng báo hiệu sự thay đổi trọng tâm đối với việc sa thải nhân viên của công ty. Chuyên gia này cho biết, việc nhắm mục tiêu vào các kỹ sư phần mềm cho thấy các công ty hiện đang cơ cấu lại ưu tiên về mặt kinh doanh và sản phẩm hiện tại.
Những người lao động bị sa thải gần đây đang tìm kiếm các vị trí có tay nghề cao, được trả lương cao cũng có thể gặp khó khăn hơn khi tìm việc làm mới. Sau khi bị Twitter sa thải, một cựu kỹ sư Twitter nói với CNN rằng thị trường việc làm hiện tại trong ngành công nghệ là "rác thải nóng".
AI đang đe dọa tương lai của ngành lập trình viên?
Cũng phải nói thêm rằng, tương lai của ngành kĩ sư phần mềm tương đối u ám trong bối cảnh sự trỗi dậy của AI và các công cụ tự động đang ngày càng nhiều.
Chẳng hạn, ChatGPT từng được cho là đủ giỏi để vào làm việc tại Google ở vị trí kĩ sư phần mềm bậc 3, sau khi chatbot AI này vượt qua mọi câu hỏi phỏng vấn cho mảng lập trình viên.
Gần đây nhất, chính 'cha đẻ' của ChatGPT là OpenAI đã tuyển dụng hàng loạt cộng tác viên để huấn luyện khả năng lập trình cho chatbot AI này – một động thái có thể khiến các công việc lập trình cấp thấp biến mất.
Theo Semafor, OpenAI đang tuyển dụng gần 1.000 các cộng tác viên lập trình – phần lớn trong số họ sống "ở những khu vực như châu Mỹ La tinh và Đông Âu" – trong vòng 6 tháng qua. Khoảng 60% lực lượng này sẽ làm công việc dán nhãn dữ liệu, trong khi 40% còn lại là các lập trình viên máy tính có nhiệm vụ tạo các bộ dữ liệu về kỹ thuật lập trình để huấn luyện các mô hình của OpenAI.
Hiện tại, OpenAI đã có sẵn Codex, một AI có khả năng chuyển đổi các đoạn văn bản thành ngôn ngữ lập trình máy tính. Động thái tuyển dụng các cộng tác viên lập trình này cho thấy OpenAI thực sự mong muốn đưa khả năng lập trình của AI lên một tầm cao mới.
Theo đó, việc phải hiểu được một cách sâu sắc tại sao một phần mềm được viết theo cách thức như vậy là một trong những yêu cầu quan trọng cho vị trí lập trình viên. Đây là điều ChatGPT được cho là vẫn còn thiếu sót. Tuy nhiên, với việc tuyển dụng cả một "đội quân" cộng tác viên lập trình để huấn luyện cho mô hình AI hiểu được cách làm đó, OpenAI có thể thu hẹp được khoảng cách giữa máy và con người trong lĩnh vực này. Nói cách khác, nếu trình độ không đủ giỏi, việc một ai đó bị thay thế bởi AI là cái kết đã được báo trước.
Tất nhiên, việc ChatGPT có thể dễ dàng vượt qua các câu hỏi về mặt kĩ thuật cho vị trí lập trình viên cũng đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề tuyển dụng nhân sự là con người. Trong bối cảnh ChatGPT dù còn đang khá sơ khai nhưng đã đủ giỏi để vượt qua kỳ tuyển dụng, điều gì sẽ xảy ra trong 5, hoặc 20 năm nữa, khi ChatGPT và các công cụ AI liên tục được hoàn thiện về mặt sức mạnh.
Vào năm 2017, Tim Cook đã nói "Nếu tôi là một học sinh 10 tuổi tại Pháp, tôi nghĩ việc học lập trình sẽ quan trọng hơn đối với tôi so với việc học tiếng Anh". Tuy nhiên, câu nói này ở thời điểm này nhiều khả năng không còn mang tính thời sự như thời điểm 6 năm trước.
Tổng hợp
Lấy link