Nhà mạng di động Việt ‘chuyển mình’ cung cấp dịch vụ, giải pháp số

Trong khoảng 3 năm qua, thị trường viễn thông di động có sự thay đổi lớn. Các nhà mạng di động không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông đơn thuần, mà đã trở thành nhà phát triển, cung cấp những dịch vụ, giải pháp số.


Đây là sự chuyển hướng tất yếu của các nhà mạng di động tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.


Thị trường truyền thống “hết đất”?


Đến đầu năm 2023, thị trường viễn thông di động Việt Nam hiện có khoảng 126 triệu thuê bao. Trong đó, 3 mạng di động lớn là MobiFone, VNPT VinaPhone và Viettel chiếm khoảng 96% thị phần; số còn lại thuộc các mạng Vietnamobile, Gmobile, Itel, Local và Wintel.


Trong 5 năm qua, tổng số thuê bao di động ở Việt Nam luôn dao động từ 120 - 130 triệu. Điều đó cho thấy thị trường đang đến mức bão hòa, sự phát triển thuê bao di động mới ít hơn: chỉ là thuê bao mới về dịch vụ data, hoặc chuyển từ mạng này qua mạng khác.


Theo các số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2022 có khoảng 82 triệu thuê bao di động ở Việt Nam kết nối băng thông Internet, sử dụng các dịch vụ data. Trong những năm qua, với sự phổ cập dịch vụ 3G, 4G, sắp tới là 5G ở Việt Nam, cùng chính sách cước data vào nhóm rẻ nhất khu vực và thế giới, các ứng dụng OTT đã phát triển mạnh mẽ, có thể thay thế những dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS. Bên cạnh đó, mạng xã hội Zalo, Viber, Messenger… đã trở thành công cụ liên lạc của nhiều người dân.


Các chuyên gia nhận định, điều này đồng nghĩa, các dịch vụ thoại và SMS bị suy giảm doanh thu trên từng thuê bao cũng như toàn hệ thống của mỗi nhà mạng. Mặc dù nhu cầu và mức sử dụng data của người dân tăng lên mạnh mẽ, nhưng do giá cước data rẻ nên doanh thu từ data của các nhà mạng tăng lên nhanh song vẫn không đủ bù khoản suy giảm từ dịch vụ thoại và SMS.


Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong 5 năm qua, chỉ số ARPU trên các thuê bao di động đang hoạt động, dao động từ khoảng 59.000 đồng - 63.000 đồng/thuê bao/tháng. Theo các chuyên gia, chỉ số này có tăng nhưng không đáng kể và vẫn thuộc vào nhóm thấp nhất khu vực châu Á.


Sự cạnh tranh về giá cước thoại, SMS hay các gói data cơ bản giữa các nhà mạng lớn cũng không còn “quá gay gắt” như 5 - 7 năm trước, thậm chí là không chênh lệch nhiều; có chăng chủ yếu là những mức ưu đãi khác nhau cho thuê bao mới…


Vậy, làm sao để các nhà mạng tạo sự khác biệt khi thị trường viễn thông “truyền thống” đang thay đổi?


Nhà mạng đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, sản phẩm số


Trong hơn 3 năm qua, với tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 và sức ép thị trường, các nhà mạng viễn thông lớn ở Việt Nam đều có những thay đổi sâu sắc về mô hình kinh doanh và chiến lược phát triển. Khi thuê bao viễn thông “bão hòa”, doanh thu từ những dịch vụ truyền thống như: thoại, tin nhắn, Internet khó tăng trưởng và bị cạnh tranh gay gắt về giá và các dịch vụ công nghệ mới…; các nhà mạng đã đầu tư mạnh tay để làm chủ các công nghệ mới, hạ tầng số quốc gia, hướng đến mô hình nhà cung cấp công nghệ số đa nền tảng, tư vấn và triển khai dịch vụ chuyển đổi số. Trong đó đặc biệt là việc phát triển các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia cho từng ngành, lĩnh vực như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông... Doanh nghiệp viễn thông luôn có nhiều thuận lợi để phát triển các nền tảng này.


Từ năm 2021, MobiFone đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Dựa trên 5 trụ cột chính (khách hàng, sản phẩm, công nghệ, vận hành, năng lực), MobiFone đặt mục tiêu tới năm 2025: “giữ vững viễn thông - tấn công không gian mới”, phát triển kinh doanh hạ tầng số - nền tảng, giải pháp số - nội dung số. Cụ thể, MobiFone đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái số MobiFone, đón đầu công nghệ để đáp ứng đa dạng nhu cầu trong nền kinh tế số, đời sống số của khách hàng; cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ; tạo ra nền tảng, công cụ giúp khách hàng có nhiều không gian hơn để sáng tạo; thực hiện tốt vai trò cung cấp hạ tầng, giải pháp và dẫn dắt các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng kết nối di động với những công nghệ mới, hiện đại như: AI, IoT, Blockchain...


MobiFone đặt mục tiêu tới năm 2025 phát triển kinh doanh hạ tầng số - nền tảng, giải pháp số - nội dung số

MobiFone là mạng di động đầu tiên của Việt Nam, nhờ đó có những lợi thế về tập khách hàng lớn, trung thành ở các đô thị, có mức tiêu dùng lớn; mức độ nhận diện thương hiệu tốt trong nhiều năm. Phát huy thế mạnh, MobiFone đang phấn đấu trở thành doanh nghiệp viễn thông đi đầu trong đổi mới, áp dụng công nghệ mới với các phương thức kinh doanh theo hướng thông minh, nhanh, hiệu quả hơn; tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình quản trị, quản lý trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.


“Trên chặng đường 30 năm dựng xây và phát triển thương hiệu MobiFone, MobiFone luôn cho thấy vai trò tiên phong trên thị trường khi đưa ra những giải pháp mới mẻ cho khách hàng và đón đầu thị trường, dẫn dắt thị trường. Từ nền móng các thế hệ đi trước đã dựng xây, bằng trí tuệ và trách nhiệm của tập thể MobiFone, bằng sức mạnh tổng hợp và quyết tâm cao nhất của mỗi thành viên…; MobiFone có thể chinh phục những mục tiêu xa hơn, đưa thương hiệu MobiFone phát triển lên vị thế mới trong những giai đoạn phát triển tiếp theo”, ông Nguyễn Hồng Hiển - Chủ tịch HĐTV MobiFone cho biết.


MobiFone lắp đặt trạm 5G ở TP.HCM

Thời gian qua, cùng với việc mở rộng, tiếp tục đầu tư hiện đại hóa mạng lưới 4G; MobiFone đang tiếp tục kinh doanh thử nghiệm và chủ động hoàn thiện các phương án kinh doanh mạng 5G, để sẵn sàng cung cấp dịch vụ này khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.


Cụ thể, MobiFone cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng viễn thông toàn diện, hạ tầng Cloud; sẵn sàng đáp ứng nhu cầu “bùng nổ” về kết nối và xử lý dữ liệu, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền tảng cho các ứng dụng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và xã hội số. “Hệ sinh thái” MobiFone bao gồm: các nền tảng số, giải pháp số doanh nghiệp (tài chính số, thanh toán số, IoT, giám sát thông minh, bảo mật số, dịch vụ chuyển đổi số doanh nghiệp...), dịch vụ nội dung số (giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quảng cáo, âm nhạc, video, truyền hình OTT...) đã hình thành, vận hành ổn định, cung cấp cho nhiều đối tượng khách hàng và bắt đầu có nguồn thu ổn định. Nhà mạng này đang trở thành công ty số, nhà cung cấp hạ tầng số và dịch vụ số hàng đầu Việt Nam.


Các dịch vụ viễn thông “truyền thống” vẫn được các nhà mạng duy trì và tiếp tục đầu tư, nhất là những công nghệ mới như 5G hiện nay và 6G trong tương lai. Bởi đó là nền tảng cho viễn thông thế hệ mới, cơ sở bắt buộc cho hạ tầng số và các công nghệ số, dịch vụ số thế hệ mới. Song song với điều này, MobiFone cũng như các nhà mạng khác ở Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ, đầu tư lớn cho công nghệ mới để duy trì sự tăng trưởng và theo kịp xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ thế giới.


Doãn Phong









Nha mang di dong Viet ‘chuyen minh’ cung cap dich vu, giai phap so


Trong khoang 3 nam qua, thi truong vien thong di dong co su thay doi lon. Cac nha mang di dong khong chi cung cap dich vu vien thong don thuan, ma da tro thanh nha phat trien, cung cap nhung dich vu, giai phap so.

Nhà mạng di động Việt ‘chuyển mình’ cung cấp dịch vụ, giải pháp số

Trong khoảng 3 năm qua, thị trường viễn thông di động có sự thay đổi lớn. Các nhà mạng di động không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông đơn thuần, mà đã trở thành nhà phát triển, cung cấp những dịch vụ, giải pháp số.
Nhà mạng di động Việt ‘chuyển mình’ cung cấp dịch vụ, giải pháp số
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: