Hậu đấu giá tần số 4G và 5G thị trường di động về thế chân vạc?

Đến thời điểm này danh tính các nhà mạng tham gia đấu giá tần số 4G và 5G chưa được công bố, nhưng có lẽ sẽ chỉ có doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính mới dám tham gia cuộc chơi này.


Nhiều người đã nhắc đến kịch bản thị trường di động Việt Nam sau hồi cạnh tranh gay gắt sẽ quay về “thế chân vạc” và Viettel vẫn dẫn đầu thị trường này.

Đấu giá băng tần sẽ có được nhà mạng thực chiến


Theo công bố của Cục Tần số, giá khởi điểm đấu giá tần số 2300-2400 MHz cho 3 khối băng tần là 17.394 tỷ đồng. Cụ thể đối với khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz), A2 (2330 – 2360 Mhz), A3 (2360 – 2390 Mhz) đều có giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm.


Nếu như trước đây, hình thức cấp phép tần số do các cơ quan nhà nước phê duyệt cho doanh nghiệp, tiếp theo đó là hình thức thi tuyển để lấy tần số. Nói một cách nôm na là băng tần này được cấp phép miễn phí cho các doanh nghiệp. Hàng năm các nhà mạng chỉ phải trả phí băng tần theo quy định của Bộ Tài chính. Thậm chí cơ quan quản lý lúc đó đã bàn nhiều đến việc phải thu thêm phí thương quyền viễn thông với các nhà mạng.


Thế nhưng, cuộc chơi giờ đã khác, khi Luật Tần số có hiệu lực và các nhà mạng muốn có băng tần tốt để cung cấp dịch vụ cho khách hàng sẽ phải tham gia đấu giá công khai, minh bạch. Điều này có ưu điểm sẽ chọn được doanh nghiệp có thực lực kinh tế và thực chiến trên thị trường chứ không phải xin băng tần theo kiểu “giữ giá làm nộm”, mà không triển khai cung cấp dịch vụ.


Với giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm, mỗi nhà mạng sẽ trả phí tần số trên lý thuyết ít nhất là 386 tỷ đồng/năm. Đây là con số không hề nhỏ với tất cả các mạng di động. Điều này đòi hỏi tất cả các nhà mạng phải tính toán kỹ về khả năng kinh doanh và thu hồi vốn đầu tư, chứ không thể sở hữu băng tần quý miễn phí được.


Doanh nghiệp nào sẽ tham gia đấu giá tần số?


Với 3 khối băng tần được đem ra đấu giá lần này sẽ chỉ có 3 nhà mạng được cấp phép băng tần 2300-2400 MHz để sử dụng cho 4G và 5G. Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, lần đấu giá tần số này không chỉ có các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ di động, mà có thể có thêm nhiều doanh nghiệp khác nếu có đủ điều kiện đều có thể tham gia. Như vậy, rất có thể thị trường di động có thể sẽ xuất hiện thêm người chơi mới tham gia, sử dụng công nghệ 4G và 5G.


Một câu hỏi đặt ra trong lần đấu giá này, liệu có doanh nghiệp nào sẽ tham gia cuộc chơi? Khoảng 3 năm trước người ta đồn đoán Vingroup sẽ nhảy vào cuộc chơi này, khi họ có bước thâu nạp nhiều nhân sự liên quan đến lĩnh vực viễn thông. Thế nhưng, với việc xoay chuyển chiến lược tập trung cho xe ô tô điện và đặc biệt trong bối cảnh dịch vụ cảnh viễn thông truyền thống suy giảm, thì thị trường di động được ví như “chiếc bánh mang ít vị ngọt”. Tất nhiên, nhiều người nói về tương lai của 5G sẽ là tương lai của hạ tầng số, nhưng để một doanh nghiệp mới nhảy vào lĩnh vực này cũng phải mất vài ba tỷ USD. Có lẽ đây là thời điểm không thích hợp cho Vingroup có những bước đi táo bạo.


FPT cũng từng muốn tham gia thị trường di động qua thương vụ với EVN Telecom, nhưng nhìn chiến lược của doanh nghiệp này họ sẽ tập trung vào giá trị cốt lõi của mình là chuyển đổi số, chứ không phải là di động.


Vietnamobile là một cái tên đầy hoài nghi trong cuộc đua đấu giá băng tần 4G và 5G, bởi những khó khăn mà nhà mạng này gặp phải. Thế nhưng, ngặt nỗi nếu không có băng tần này cũng có thể là dấu chấm hết cho cuộc đua trên thị trường di động, khi mà thế giới đang dần tắt sóng 2G và 3G. Việt Nam cũng đang có lộ trình tắt sóng 2G và đang mong muốn đẩy nhanh tiến trình này. Điều này buộc nhà đầu tư Hutchison có lẽ sẽ phải “đâm lao theo lao”, nếu muốn còn hiện diện trên thị trường Việt Nam.


Việc đấu giá tần số có lẽ là câu chuyện khó với Gtel, bởi nhà mạng này sẽ xoay sở ra sao để có được 5.798 tỷ đồng khởi điểm để đấu giá tần số. Giả sử có được số tiền đó thì cũng rất khó cho nhà mạng này triển khai được mạng 4G và 5G, khi phải đầu tư rất lớn để có được thuê bao và vùng phủ sóng. Có lẽ đây là canh bạc đầy mạo hiểm và quá phiêu lưu với Gtel, khi tiếp tục cuốn vào cuộc đua đấu giá băng tần.


Có lẽ tất cả sự chú ý sẽ dồn vào 3 nhà mạng là Viettel, VNPT và MobiFone. Nếu xét về tiềm lực thì Viettel đang vượt trội hơn cả, nên họ cũng là ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua lấy băng tần này. VNPT và MobiFone cho dù được đánh giá cao, nhưng bắt buộc phải có tính toán hợp lý khi đấu giá băng tần, bởi họ sẽ phải bỏ ra gần 390 tỷ mỗi năm trả tiền cho nó. Theo con số công bố thì tổng doanh thu năm 2022 của VNPT đạt 55.209 tỷ đồng, lợi nhuận 6.629 tỷ đồng còn MobiFone có doanh thu là 28.329 tỷ đồng và lợi nhuận là 2.713 tỷ đồng.


Thực tế hiện nay Việt Nam đang có 5 mạng di động có hạ tầng và đang cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Thế nhưng, nhiều người đã nhắc đến kịch bản thị trường di động Việt Nam sau hồi cạnh tranh gay gắt sẽ quay về “thế chân vạc” và có lẽ nó cũng sẽ lên hình hài rõ nét sau cuộc chạy đua đấu giá băng tần.


Sẽ chỉ có 3 doanh nghiệp nhận giấy phép sử dụng băng tần 4G và 5G

Sẽ chỉ có 3 doanh nghiệp nhận giấy phép sử dụng băng tần 4G và 5G

Trong lần đấu giá quyền sử dụng tần số với băng tần 2300-2400 MHz với mức giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng để triển khai 4G và 5G sẽ chỉ có 3 doanh nghiệp trúng đấu giá và nhận giấy phép cung cấp dịch vụ này.
Bộ TT&TT ban hành quyết định đấu giá sử dụng băng tần 4G và 5G

Bộ TT&TT ban hành quyết định đấu giá sử dụng băng tần 4G và 5G

Ngày 21/2/2023, Bộ TT&TT ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400MHz, cho hệ thống thông tin di động 4G và 5G.