Năm 2020, tàu thăm dò vũ trụ không người lái Hằng Nga 5 đã mang về Trung Quốc những mẫu đất đầu tiên của Mặt Trăng. Trước đó, vào năm 2013, Bắc Kinh lần đầu tiên phóng tàu hạ cánh xuống bề mặt hành tinh này và có kế hoạch đưa phi hành gia lên đây vào năm 2030.
Từ năm 2023, Trung Quốc sẽ khởi động các sứ mệnh Hằng Nga 6, 7 và 8 với nhiệm vụ thứ hai là tìm kiếm những nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng, phục vụ cho con người cư trú lâu dài ngoài vũ trụ.
Tờ China Daily trích lời Wu Weiren, nhà khoa học tại cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết, tàu thăm dò Hằng Nga 8 sẽ tiến hành nghiên cứu thực địa về môi trường, thành phần khoáng chất và khả năng sử dụng công nghệ in 3D trên bề mặt Mặt Trăng.
“Nếu chúng ta muốn cư trú lâu dài trên Mặt Trăng, con người cần xây dựng các trạm không gian bằng chính vật liệu có sẵn trên hành tinh này”, Wu nói.
Bắc Kinh có kế hoạch bắt đầu xây dựng “một cứ điểm” trên Mặt Trăng trong vòng 5 năm bằng cách sử dụng đất có sẵn tại đó.
Theo chuyên gia từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, một robot được giao nhiệm vụ chế tạo “gạch từ đất Mặt Trăng” sẽ được đưa lên không gian trong sứ mệnh Hằng Nga 8, dự kiến tiến hành vào năm 2028.
Cuộc đua đưa con người đặt chân xuống Mặt Trăng đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt đối với Mỹ.
Trong tháng này, NASA và cơ quan không gian Canada đã ghi danh 4 phi hành gia thực hiện sứ mệnh Artemis II - chuyến bay đưa con người đầu tiên trở lại Mặt Trăng sau nhiều thập kỷ, dự kiến triển khai vào cuối năm 2024.
Theo Reuters
12 phút lịch sử của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc
Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống phần khuất của Mặt Trăng. Đây là một dấu mốc lớn với quốc gia này.