Một đợt nắng nóng gay gắt đã quét qua phần lớn châu Á trong tuần qua, sóng nhiệt đã khiến nhiều người thiệt mạng và trường học phải đóng cửa.
Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera đã mô tả nhiệt độ cao bất thường này là "đợt nắng nóng tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á".
Theo Independent, cứ 3 người trên Trái Đất thì có một người đang phải hứng chịu đợt nắng nóng này với nhiệt độ kỷ lục bị phá vỡ ở hàng chục quốc gia.
Tại Trung Quốc, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, nhiệt độ kỷ lục trong tháng 4 đã được ghi nhận ở nhiều địa điểm bao gồm Thành Đô, Chiết Giang, Nam Kinh, Hàng Châu và các khu vực khác thuộc vùng đồng bằng sông Dương Tử.
Theo Herrera, nhiệt độ nóng bất thường cũng đã được báo cáo ở Đông Nam Á trong những ngày gần đây, bao gồm ở Luang Prabang (Lào), ghi nhận nhiệt độ cao lên đến 42,7 độ C trong tuần qua, ở thủ đô Viêng Chăn nhiệt độ cũng đã chạm mức 41,4 độ C.
Trong khi tại Thái Lan, một trạm giám sát của Chính phủ ở tỉnh Tak, phía Tây Bắc của đất nước, nhiệt độ đã lên tới 45,4 độ C vào thứ Bảy tuần qua.
Con số này đã phá vỡ mức cao nhất trước đó được ghi nhận là 44,6 độ C ở tỉnh Mae Hong Son vào ngày 28/4/2016.
Tại Bangladesh, quốc gia đi đầu trong cuộc khủng hoảng khí hậu, nhiệt độ tăng vọt trên 40 độ C ở thủ đô Dhaka vào thứ Bảy tuần qua, đây là ngày nóng nhất trong 58 năm qua đã khiến mặt đường tan chảy.
Một quan chức của Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Bangladesh cho biết, nếu nắng nóng không giảm, Chính phủ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về nhiệt độ ở một số khu vực.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi nhiệt độ cao và các chuyên gia lo ngại rằng năm nay nó có thể còn tồi tệ hơn.
Đợt nắng nóng tháng 4 đã tàn phá một số bang của Ấn Độ, buộc Cơ quan Khí tượng Quốc gia đã đưa ra cảnh báo màu da cam về đợt nắng nóng nghiêm trọng này ở các vùng của Bihar, Jharkhand, Odisha, Andhra Pradesh và Tây Bengal.
Đáng chú ý, tại tất cả các bang này phần lớn là những công nhân và lao động nông thôn họ đều phải làm việc ngoài trời ngay cả khi nhiệt độ cao.
Bên cạnh đó, 6 thành phố ở phía Bắc và phía Đông Ấn Độ cũng ghi nhận nhiệt độ trên 44 độ C và thủ đô New Delhi ghi nhận 40,4 độ C vào thứ Ba tuần qua.
Nhiệt độ cao ở Ấn Độ đã khiến một số bang phải đóng cửa trường học, đồng thời kêu gọi các cơ sở giáo dục tư nhân thực hiện các biện pháp tương tự.
Quốc gia này đã ghi nhận 13 người chết và 8 người khác phải điều trị do say nắng sau một sự kiện được tổ chức ngoài trời ở bang Maharashtra.
Theo truyền thông địa phương, nhiều trẻ em đã gặp các vấn đề về sức khỏe như đau đầu do nắng nóng.
Thời tiết nắng nóng bất thường cũng khiến Thái Lan phải cảnh báo về sức khỏe như nguy cơ say nắng, đặc biệt đối với những người tập thể dục hoặc làm việc nhiều giờ bên ngoài trời.
Có những lo ngại rằng nhiệt độ cao có thể tiếp tục ở Thái Lan sau những tháng mùa hè thông thường, gây ra hạn hán và khả năng mất mùa.
Herrera cho biết: "Hàng trăm trạm trên hơn một chục quốc gia đang phá vỡ các kỷ lục bao gồm khu vực Kalewa, Tây Bắc Myanmar, đạt 44 độ C, lập kỷ lục trong tháng 4 và tỉnh Sơn La ở Tây Bắc Việt Nam, đạt 38 độ C".
Ngoài ra, tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Kazakhstan hay Uzbekistan…, cũng đã ghi nhận nhiệt độ kỷ lục tại nhiều tỉnh, thành phố.
Các đợt nắng nóng đang trở nên thường xuyên và dữ dội hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, phần lớn nguyên nhân đến từ việc con người phụ thuộc và sử dụng quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà khoa học cảnh báo, nhiệt độ cao và khắc nghiệt hơn dự kiến có thể xảy ra trong những tháng tới.
Do một sự kiện El Nino sắp xảy ra, bên cạnh vấn đề biến đổi khí hậu, con người trên thế giới có thể chứng kiến những kỷ lục nhiệt mới vào mùa hè này hay mùa hè tới.
Theo
www.independent.co.uk