Theo nguồn tin của Nikkei, đề nghị được đưa ra ngay trước chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 24/4. Tháng trước, Trung Quốc mở cuộc điều tra an ninh quốc gia vào Micron, một trong ba công ty dẫn đầu thị trường memory chip DRAM. Hai hãng còn lại là Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc.
Chưa rõ Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) có hành động cưỡng chế nào sau cuộc điều tra hay không. Tuy nhiên, nguy cơ đối với Micron là rất lớn vì Trung Quốc đại lục và Hong Kong đóng góp 25% trong tổng doanh thu 30,8 tỷ USD năm 2022.
Quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tin rằng, cuộc điều tra là đòn trả đũa của Bắc Kinh trước các biện pháp cứng rắn mà Tổng thống Joe Biden đã thực hiện, nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận hay sản xuất bán dẫn hiện đại.
Vụ Micron nổi lên như một phép thử, để xem Bắc Kinh có sẵn sàng thực hiện các biện pháp kinh tế cưỡng chế đối với một công ty lớn của Mỹ lần đầu tiên hay không. Nguồn tin của Nikkei tiết lộ, Mỹ đề nghị Hàn Quốc động viên Samsung và SK Hynix không gia tăng bán hàng sang Trung Quốc nếu Micron bị cấm.
Trong chuyến thăm của ông Yoon, hai bên sẽ thảo luận về nhiều vấn đề. Nikkei nhận định, yêu cầu của Mỹ đặt Tổng thống Hàn Quốc vào tình huống khó xử. Ông nhậm chức năm ngoái với lập trường “diều hâu” hơn đối với Trung Quốc, song chính quyền của ông cũng lo ngại khả năng cạnh tranh của Samsung và SK Hynix có thể bị suy yếu do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Dù Samsung và SK Hynix không chào đón những nỗ lực cản trở kinh doanh của mình tại Trung Quốc, Mỹ có thể sử dụng đòn bẩy. Khi công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng nhằm vào Bắc Kinh tháng 10/2022, Mỹ miễn trừ cho các công ty Hàn Quốc có nhà máy chip đặt tại Trung Quốc. Giấy phép miễn trừ phải được gia hạn vào cuối năm nay. Bộ Thương mại Mỹ chưa có cập nhật gì về việc này. Trong khi đó, các nhà sản xuất memory chip vốn đã chịu áp lực do tình trạng dư thừa trong quý I khiến giá chip DRAM giảm 25%.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen lên tiếng quan ngại về “sự gia tăng các hành động cưỡng chế nhằm vào doanh nghiệp Mỹ” gần đây. Một nguồn tin của Nikkei cho biết, yêu cầu với Seoul phản ánh việc chính quyền ông Biden muốn bảo đảm “Trung Quốc không thể sử dụng Micron làm đòn bẩy để gây ảnh hưởng hay tác động đến chính sách của Mỹ”. Mỹ sẽ cho Trung Quốc thấy điều đó thông qua hợp tác với đồng minh và đối tác để làm suy yếu bất kỳ hành động nào chống lại công ty Mỹ hay đồng minh.
Dù áp dụng cưỡng chế kinh tế đối với một số quốc gia khác, Trung Quốc vẫn chưa tiến hành hành động quan trọng nào chống lại Mỹ, ngay cả khi ông Biden ban hành quy định kiểm soát xuất khẩu cứng rắn và áp đặt lệnh cấm vận lên các công ty Trung Quốc.
Ngoài ra, yêu cầu của Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bán dẫn trong xung đột Mỹ - Trung. Tháng 12/2022, Mỹ đưa nhà sản xuất Yangtze Memory Technologies vào danh sách Entity List, đồng nghĩa các công ty bị cấm bán hàng cho Yangtze nếu không có giấy phép đặc biệt. Yangtze Memory Technologies là đối thủ đang lên của Micron tại Trung Quốc.
(Theo Nikkei)
Nóng cuộc đua bán dẫn, Hàn Quốc ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệpChính phủ Hàn Quốc có kế hoạch miễn trừ lên tới 25% thuế cho các công ty sản xuất chip trong bối cảnh nước này tìm cách thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn.