Thưa TS.BS. Trương Hồng Sơn, hiện nay vẫn tồn tại một luồng ý kiến rằng bệnh nhân ung thư nên kiêng ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để ‘bỏ đói’ tế bào ung thư, nhằm ngăn cản sự phát triển nhanh chóng của tế bào ung thư. Bác sĩ cho biết ý kiến về vấn đề này?
Cơ thể khỏe mạnh thì mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt để phát hiện, ức chế, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh - trong đó có tế bào ung thư.
Bản thân tế bào ung thư cũng cần dinh dưỡng và chúng sẽ lấy dinh dưỡng từ chính người bệnh. Sự phát triển của khối u làm tăng quá trình chuyển hóa và do vậy làm tăng nhu cầu năng lượng.
Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ năng lượng, sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh cũng như không đáp ứng được các phương pháp điều trị đặc hiệu (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị...).
Hậu quả của việc kiêng khem quá mức đặc biệt là bỏ qua nguồn protein chất lượng cao như thịt cá sẽ khiến tình trạng dinh dưỡng của toàn cơ thể kém đi, thể lực giảm sút, hệ miễn dịch giảm sút dẫn tới nhiễm trùng, lâu liền vết thương… nên ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị.
Khoảng 40% người bệnh ung thư có suy dinh dưỡng protein năng lượng và một số nhóm nguy cơ cao hơn như người bệnh ung thư đầu cổ có đến 80% người bệnh có các mức độ suy dinh dưỡng khác nhau.
Vì thế, kiêng thịt cá hoặc ‘bỏ đói’ tế bào ung thư khi bị ung thư không có cơ sở khoa học. Duy trì dinh dưỡng đầy đủ mới là cơ sở nền tảng của việc điều trị.
Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về vai trò của chế độ ăn uống đối với bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng hóa trị và xạ trị?
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân ung thư, đặc biệt là trong quá trình điều trị hóa trị và xạ trị. Những phương pháp điều trị này thường gây ra nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, giảm khả năng tiêu hóa, buồn nôn, nôn, viêm loét miệng… Do đó, một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm tác dụng phụ của thuốc, bảo vệ sức khỏe tổng thể và duy trì năng lượng để cơ thể có thể chống lại bệnh tật.
Vậy người bệnh trong quá trình điều trị ung thư nên ăn gì để hỗ trợ tốt nhất cho cơ thể?
Khi điều trị ung thư, cơ thể cần được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất để duy trì sức khỏe và giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn. Cụ thể, các nhóm thực phẩm sau đây rất cần thiết:
Chất đạm (protein): Đạm giúp cơ thể phục hồi, tái tạo tế bào, duy trì cơ bắp và hệ miễn dịch. Các nguồn đạm tốt bao gồm thịt gà, cá, trứng, sữa ít béo, các loại ngũ cốc nguyên hạt. Chế độ ăn giàu protein sẽ giúp cơ thể chống lại suy dinh dưỡng trong quá trình điều trị.
Vitamin và khoáng chất: Những vitamin như vitamin A, C, D và các khoáng chất như kẽm, sắt, canxi rất quan trọng để duy trì hệ miễn dịch và tái tạo tế bào. Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, như táo, dưa leo, cà rốt, bí đỏ… Đây là những thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng và chống viêm nhiễm.
Chất béo lành mạnh: Các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật như dầu olive, dầu hạt cải, quả bơ, các loại hạt (hạnh nhân, hạt chia…) cũng rất cần thiết, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, đồng thời giúp tăng cường chức năng miễn dịch.
Nước: Việc uống đủ nước rất quan trọng, giúp duy trì chức năng thận, giảm thiểu tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị. Người bệnh nên uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày và có thể bổ sung thêm nước ép trái cây hoặc nước canh để cải thiện lượng nước hấp thu vào cơ thể.
Vậy có những thực phẩm nào bệnh nhân ung thư cần kiêng hoặc hạn chế trong quá trình điều trị?
Trong quá trình điều trị ung thư, có một số thực phẩm bệnh nhân nên kiêng hoặc hạn chế vì chúng có thể làm tăng tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Thực phẩm chứa nhiều đường: Đường tinh luyện và các thực phẩm chứa nhiều đường có thể gây tăng đường huyết và làm giảm hiệu quả của hệ miễn dịch. Vì vậy, bệnh nhân nên hạn chế ăn các loại bánh kẹo, nước ngọt, đồ ngọt nhân tạo.
Thực phẩm chế biến sẵn, nhiều gia vị cay, mặn: Những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều gia vị cay, mặn có thể làm tăng tình trạng viêm loét miệng, buồn nôn và khó tiêu. Do đó, bệnh nhân cần hạn chế các thực phẩm này để tránh kích thích dạ dày và niêm mạc miệng.
Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và trans fat: Những loại thực phẩm chiên, rán, đồ ăn nhanh…
Thực phẩm có khả năng gây nhiễm khuẩn: Trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư có thể suy giảm. Vì vậy, bệnh nhân cần tránh các thực phẩm dễ nhiễm khuẩn như hải sản sống, thịt chưa chế biến kỹ, rau sống không rửa sạch.
Rượu và thuốc lá: Đây là những tác nhân gây hại lớn cho sức khỏe, có thể làm giảm hiệu quả điều trị và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Vì vậy, bệnh nhân ung thư nên tuyệt đối tránh sử dụng rượu và thuốc lá trong suốt quá trình điều trị.
Bác sĩ có lời khuyên nào cho bệnh nhân ung thư trong việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh?
Để duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh trong quá trình điều trị ung thư, bệnh nhân cần hiểu mục tiêu của dinh dưỡng trong điều trị ung thư là: Ngăn ngừa hoặc cải thiện tình trạng sụt cân và suy dinh dưỡng; Giảm tác dụng phụ, biến chứng gây ra bởi hóa trị, xạ trị và phẫu thuật điều trị ung thư; Thúc đẩy quá trình lành vết thương; Ngăn ngừa tái phát ung thư bằng các thực phẩm bảo vệ; Cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để khắc phục các vấn đề ở người bệnh ung thư như gầy sút mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng khó tiêu, nôn, buồn nôn thì cần áp dụng các nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư:
- Chia nhỏ bữa ăn, năng lượng mỗi bữa phải cao. Tăng đậm độ dinh dưỡng cho bữa ăn: Thêm sữa bột, thêm phô mai vào bữa ăn như cháo, súp.
- Tăng cường ăn các thực phẩm giàu protein và protein chất lượng cao như đậu đỗ, thịt gà, cá, thịt, sữa chua và trứng. Những thức ăn này nên được ăn ngay từ đầu bữa khi vị giác còn hoạt động mạnh.
- Sử dụng các thực phẩm được bổ sung thêm vi chất và các chất dinh dưỡng như sữa.
- Tăng cường acid béo omega 3 từ các loại cá béo (cá basa, cá hồi, cá thu, cá ngừ…).
- Nếu buồn nôn vào buổi sáng hãy ăn bánh mì trước khi đi ngủ hoặc trong cả ngày.
- Nên ăn, uống thức ăn ở nhiệt độ phòng, không quá nóng, không quá lạnh.
- Thức ăn nên nấu mềm nhừ dễ tiêu hóa.
- Có thể ăn những loại đồ ăn chua hoặc ngọt như cam để giúp nước bọt tiết ra nhiều hơn. Nhưng nếu như bị viêm ở khoang miệng thì không nên sử dụng mà thay bằng nhai kẹo cao su.
- Uống đủ nước.
- Ăn chậm, nhai kỹ ngay cả khi thức ăn mềm.
- Không được uống rượu, bia và đồ uống có cồn.
- Không nên sử dụng gia vị có vị quá nồng như quá cay, chua, quá mặn.
Lấy link