Theo báo cáo được trích dẫn trên tờ SCMP thời gian trước, một cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc đã phát triển phương tiện mới - tàu đệm từ siêu tốc Hyperloop, chạy trong các đường ống chân không thấp bằng cách kết hợp giữa công nghệ đường sắt và hàng không vũ trụ.
Nếu đi vào hoạt động, đây sẽ là công nghệ vận chuyển trên mặt đất nhanh nhất thế giới với vận tốc ngang với máy bay. Trước đó, con tàu này đã được chạy thử nghiệm 3 lần tại một đường thử đệm từ siêu dẫn ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Theo Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC), các thành phần quan trọng của con tàu gồm có nam châm siêu dẫn, hệ thống điện công suất cao, thiết bị liên lạc không dây, điều khiển an toàn bằng AI và cảm biến - chúng đều hoạt động tốt trong quá trình thử nghiệm.
Vì vậy mới đây, các đơn vị thiết kế đường sắt và kỹ thuật hàng đầu quốc gia này đã chính thức thông báo tuyến đường thí điểm đầu tiên sẽ được xây dựng giữa hai thành phố - Thượng Hải và Hàng Châu. Đường ống chân không dự kiến dài 150km và cho phép tàu đệm từ di chuyển với vận tốc lên tới 1.000 km/giờ.
Các nhà khoa học tham gia vào dự án cho biết Học viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE) và một số cơ quan đường sắt đã tiến hành đánh giá toàn diện các địa điểm xây dựng tiềm năng. Một số địa điểm được đánh giá cao là tuyến Bắc Kinh-Thạch Gia Trang, Quảng Châu-Thâm Quyến và Thành Đô-Trùng Khánh.
Tuyến Bắc Kinh-Thạch Gia Trang sẽ kết nối thủ đô Bắc Kinh với Thạch Gia Trang - thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, qua đó kết nối hai thành phố lớn ở miền bắc Trung Quốc và giúp các tuyến giao thông xung quanh khu vực thủ đô giảm tắc nghẽn.
Tuyến Quảng Châu-Thâm Quyến sẽ kết nối hai trung tâm kinh tế quan trọng. Tuyến Thành Đô-Trùng Khánh sẽ liên kết hai thành phố lớn ở miền tây Trung Quốc – một trong những khu vực phát triển nhanh nhất tại đây, một phần nhờ vào Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Zhang Yunjiao, một kỹ sư cao cấp của công ty tư vấn và thiết kế đường sắt Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước là người phụ trách chính trong việc đánh giá và chọn địa điểm của tuyến đường thí điểm.
Mật độ dân số, hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng giao thông hiện có là những yếu tố được xét đến. Đặc biệt, đội ngũ cũng xem xét nhiều đặc điểm khác như tính khả thi về mặt kỹ thuật hay khả năng tích hợp với cơ sở hạ tầng giao thông hiện có.
Sau cùng, hai thành phố giàu có Thượng Hải và Hàng Châu đã trở thành người chiến thắng. Tuyến đường được đánh giá là có tiềm năng kinh tế mạnh do mật độ dân số cao và hoạt động kinh tế sôi động.
Đồng thời địa hình tương đối bằng phẳng sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai xây dựng. Báo cáo của đội ngũ chuyên gia cũng cho biết một dự án như vậy sẽ có tác động tích cực tới xã hội. Thượng Hải và Hàng Châu đều là những thành phố lớn ở Trung Quốc - có ý nghĩa kinh tế và văn hóa mạnh mẽ.
Zhang và các đồng nghiệp của cô cho rằng dự án hyperloop này có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc. Tuyến đường dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2035.
Trung Quốc có kinh nghiệm trong việc xây dựng đường sắt cao tốc, những bài học này có thể được áp dụng cho dự án hyperloop. Tuy vậy, việc phát triển công nghệ cần thiết cho hệ thống hyperloop vẫn đang ở giai đoạn đầu, cần nhiều thời gian trước khi có thể triển khai trên quy mô lớn.
Tham khảo SCMP
Lấy link