Ngày 6/5 tới đây, Vua Charles III sẽ đăng quang tại thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh và ông sẽ ngồi trên chiếc ghế chạm khắc của Scotland hơn 800 năm tuổi, bên trong nó chứa một viên đá được gọi là "Đá định mệnh".
Mặc dù viên đá có lịch sử lâu đời, nhưng mới đây các nhà khoa học mới nhận thấy các biểu tượng bí ẩn và những dị thường chưa từng được biết trước đây.
Những dị thường như là một vết hợp kim đồng và phần còn lại của thạch cao; điều đó cho thấy viên đá chứa những khía cạnh chưa từng được ghi lại trong các tài liệu lịch sử.
"Đá định mệnh" được vận chuyển từ Scotland đến Anh vào năm 1296 và nó đã không được trả lại cho đến thế kỷ 20, lịch sử của nó trước thế kỷ 13 không rõ ràng.
Mới đây, các nhà khoa học của Cơ quan Môi trường Lịch sử Scotland, có nhiệm vụ bảo tồn viên đá đã thực hiện quét laser và tiến hành các phân tích khoa học.
Họ đã phát hiện các dấu hiệu trông giống như chữ số La Mã được tìm thấy trên đá bao gồm ba dấu hình chữ X, tiếp theo là một dấu trông giống như chữ "v".
"Các chữ số La Mã chưa từng được ghi lại trước đây. Chúng tôi không biết tại sao chúng được chạm khắc hoặc chúng có ý nghĩa gì, các nhà khoa học hy vọng đây sẽ là một lĩnh vực để họ nghiên cứu thêm", Ewan Hyslop người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu và Biến đổi khí hậu tại Cơ quan Môi trường Lịch sử Scotland chia sẻ.
Trong khi, nhà khảo cổ học Ewan Campbell, Đại học Glasgow (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu lại cho rằng, đây không phải là những chữ số La Mã, nhiều khả năng đó là di tích của cây thánh giá".
Gợi ý về một di tích
Nhóm nghiên cứu cũng xác định được một vết hợp kim đồng trên đá bằng cách sử dụng công nghệ phân tích huỳnh quang tia X (XRF), một kỹ thuật hoạt động bằng cách đo thành phần hóa học của vật liệu như đá, khoáng chất và trầm tích.
Phát hiện cho thấy, một vật bằng đồng hoặc đồng thau đã được đặt trên đá trong một khoảng thời gian tại một thời điểm nào đó trong lịch sử của nó.
"Cho đến nay, kết quả quan trọng hơn là sự hiện diện của vết đồng trên bề mặt. Điều này gợi ý một số đồ vật, có thể là một di tích như chuông của một vị thánh đã được đặt trên đá trong một thời gian dài", Campbell nói.
Vào thời Trung cổ, đôi khi các di tích vật chất chẳng hạn như xương của một vị thánh hoặc thánh nhân thường được đặt trong một thùng kim loại điển hình như đồng.
Di tích cũng có thể là hiện vật liên quan đến một người như vậy.
Ví dụ, những mảnh gỗ có thể là từ thập tự giá mà Chúa Giêsu bị đóng đinh là những di tích phổ biến.
Phân tích cũng tiết lộ sự hiện diện của thạch cao trên "Đá định mệnh", hé lộ vào một thời điểm nào đó, một tấm thạch cao của hiện vật có thể đã được tạo ra.
Mặc dù không rõ thạch cao dính vào đá như thế nào, nhưng các lần quét và kiểm tra gần đây sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn.
"Đá định mệnh" hiếm khi được di chuyển và không dễ để các nhà nghiên cứu và công chúng có thể quan sát toàn bộ hay cận cảnh.
Theo
www.livescience.com