Chẳng có gì gọi là Trí tuệ nhân tạo, tất cả chỉ là thuật ngữ tiếp thị

Trong khi các công cụ AI mới đang được xem như phép màu công nghệ khi mang lại "trí tuệ" cho máy móc, nhiều nhà khoa học máy tính lại không nghĩ như vậy.


Trong khi công nghệ trí tuệ nhân tạo thế hệ mới đang được kỳ vọng sẽ làm thay đổi toàn bộ thế giới, vẫn còn không ít những nghi ngờ về khả năng thực sự của nó. Parmy Olson là một trong số những người như vậy. Cựu phóng viên Wall Street Journal và giờ là một trong những cây viết về mục công nghệ của Bloomberg cho rằng, thuật ngữ trí tuệ nhân tạo – cũng giống như nhiều điều khác của ngành công nghệ - chỉ là một thuật ngữ được thổi phồng để bán hàng.


Dưới đây là lập luận của cô về điều này:


Không ai chào bán tương lai tài giỏi hơn ngành công nghệ. Theo lời những người ủng hộ, tất cả chúng ta rồi sẽ sống trong "metaverse" – thế giới ảo, xây dựng nên hạ tầng tài chính trên Web3 và vận hành cuộc sống của mình với "trí tuệ nhân tạo". Cả 3 thuật ngữ này đều là những ảo vọng để mang về hàng tỷ USD, bất chấp điều phản tác dụng trong thực tế.


Thuật ngữ trí tuệ nhân tạo gợi lên khái niệm về các cỗ máy biết suy nghĩ. Nhưng không cỗ máy nào có thể suy nghĩ và cũng không có phần mềm nào thực sự thông minh. Riêng cụm từ này đã trở thành một trong những thuật ngữ thành công nhất mọi thời đại.


Chẳng có gì gọi là "Trí tuệ nhân tạo", tất cả chỉ là thuật ngữ tiếp thị - Ảnh 1.

CEO Microsoft, ông Satya Nadella trong ngày ra mắt mô hình AI GPT-4 của OpenAI. Ảnh Internet


Mới đây, hãng OpenAI đã giới thiệu GPT-4, bản nâng cấp về mặt công nghệ AI bên dưới chatbot mới nổi ChatGPT. Hệ thống mới được cho sẽ mang lại khả năng nói chuyện giống người còn hơn cả thế hệ trước, cũng như tăng cường thêm khả năng suy luận của nó.


Nhưng về cơ bản, GPT-4 và các mô hình ngôn ngữ tự nhiên khác vẫn chỉ là sự phản chiếu của các khối cơ sở dữ liệu bằng văn bản – hàng nghìn tỷ từ ngữ trong mỗi mô hình ngôn ngữ - với quy mô tổng thể rất khó dự đoán. Giúp sức cho nó là một đội quân con người chỉnh sửa các lỗi sai cho nó, ghép cặp các từ lại với nhau dựa trên xác suất. Đó không phải là trí thông minh.


Việc các hệ thống này được huấn luyện để sản sinh ra các văn bản cũng là điều hợp lý. Nhưng việc tiếp thị chúng như các phép màu về kiến thức khi chúng có thể được kết nối với các công cụ tìm kiếm thật sai lầm. Điều thật điên rồ là ngay cả GPT-4 vẫn tiếp tục mắc lỗi và chính Microsoft hay Google cũng từng phải xấu hổ vì những lỗi cơ bản trong các công cụ tìm kiếm tích hợp AI của mình khi demo.


Chẳng có gì gọi là "Trí tuệ nhân tạo", tất cả chỉ là thuật ngữ tiếp thị - Ảnh 2.

Ngay trong buổi demo, chatbot Bard đã mắc một lỗi cơ bản khiến cổ phiếu Google bốc hơi hàng tỷ USD. Ảnh Internet


Không chỉ "trí tuệ nhân tạo", ngay cả các thuật ngữ như "mạng lưới thần kinh" hay "học sâu" cũng khiến người ta cho rằng các chương trình này giống như con người. Nhưng các mạng lưới thần kinh không phải là bản sao của bộ não con người – chúng chỉ được truyền cảm hứng một cách lỏng lẻo về cách thức hoạt động mà thôi. Các nỗ lực từ lâu nay để tái tạo bộ não con người với khoảng 85 tỷ tế bào thần kinh đều đã thất bại. Nhà khoa học đạt được gần nhất con số này là mô phỏng được bộ não của một con sâu với 302 tế bào thần kinh.


Nếu "trí tuệ nhân tạo" không thật sự có trí tuệ?


Có lẽ chúng ta cần một thuật ngữ mới dành cho các hệ thống này mà không làm truyền bá phép màu về những hệ thống máy tính, cũng như không loại bỏ trách nhiệm của những người thiết kế nên các hệ thống này. Tại sao lại như vậy?


Câu trả lời là việc gán trí thông minh cho những cỗ máy khiến chúng trở nên độc lập không đáng có đối với con người và làm những người đã tạo nên chúng ít phải chịu trách nhiệm về tác động của chúng.


Nếu chúng ta xem ChatGPT là "thông minh", thì chúng ta ít có xu hướng buộc OpenAI – công ty tạo nên chatbot này – phải chịu trách nhiệm về những điều không chính xác và thiên vị mà nó đưa ra. Điều này cũng sẽ tạo ra sự tuân thủ cứng nhắc đối với những người phải chịu các tác động tiêu cực của công nghệ mới, mặc dù AI sẽ không lấy đi công việc hay ăn trộm ý tưởng sáng tạo của bạn – những người khác sẽ làm vậy.


Chẳng có gì gọi là "Trí tuệ nhân tạo", tất cả chỉ là thuật ngữ tiếp thị - Ảnh 3.

Liệu khả năng sản sinh văn bản, hình ảnh của các chatbot AI có thật sự là một phép màu công nghệ hay chỉ là một thuật ngữ tiếp thị? Ảnh Internet


Vấn đề ngày càng cấp bách hơn khi giờ đây, các công ty như Meta Platforms, Snap Inc cho đến Morgan Stanley đều đang gấp rút giới thiệu các chatbot và các mô hình sản sinh văn bản, hình ảnh trong hệ thống của mình. Được thúc đẩy bởi cuộc chạy đua mới với Google, Microsoft cũng đang đưa công nghệ mô hình ngôn ngữ của OpenAI vào các ứng dụng kinh doanh phổ biến nhất của mình, bao gồm Word, Outlook và Excel – với tuyên bố của Microsoft rằng nó "sẽ thay đổi căn bản cách con người làm việc với AI và AI với con người."


Nhưng đối với khách hàng, lời hứa về việc làm việc cùng các cỗ máy thông minh gần như là sai lầm. "AI là một trong những nhãn dán thể hiện loại hy vọng không tưởng hơn là một thực tế hiển hiện, một điều giống như sự trỗi dậy của cụm từ "vũ khí thông minh" trong chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất – tầm nhìn về loại vũ khí nhắm mục tiêu siêu chính xác – nhưng đến giờ vẫn bất khả thi." Steven Poole, tác giả của quyển sách Unspeak, cho biết.


Chẳng có gì gọi là "Trí tuệ nhân tạo", tất cả chỉ là thuật ngữ tiếp thị - Ảnh 4.

Tính năng Microsoft 365 Copilot sẽ tích hợp AI vào các phần mềm công việc của Microsoft. Ảnh Internet


Margaret Mitchell, nhà khoa học máy tính từng bị Google sa thải vì xuất bản một tài liệu chỉ trích sự thiên vị trong các mô hình ngôn ngữ lớn, đã miễn cưỡng mô tả công việc của mình trong những năm vừa qua là dựa trên sự kết hợp với AI.


Cựu đồng nghiệp của cô tại Google, Timnit Gebru cho biết, cô chỉ bắt đầu dùng từ "AI" từ năm 2013: "Nó trở thành điều bắt buộc phải nói. Thật khủng khiếp nhưng tôi cũng đang làm điều này. Tôi gọi mọi thứ mình chạm vào là AI bởi vì sau đó mọi người sẽ lắng nghe những gì tôi đang nói."


Thật không may, "AI" đã ăn sâu vào vốn từ của chúng ta đến mức gần như không thể lay chuyển được. Ngay cả như vậy, ít nhất chúng ta nên tự nhắc nhở bản thân về việc các hệ thống như vậy phụ thuộc như thế nào vào các nhà quản lý con người, những người nhẽ ra phải chịu trách nhiệm về tác dụng phụ của các hệ thống này.


Tác giả Poole cho biết, ông thích gọi các chatbot như ChatGPT và các công cụ sản sinh hình ảnh như Midjourney hay Dall-E là "các cỗ máy đạo văn khổng lồ" hơn, bởi vì chúng chủ yếu kết hợp văn xuôi và tranh ảnh vốn do con người tạo ra để làm ra các sản phẩm của mình. Ông cho biết: "Tôi không tin rằng nó sẽ bắt kịp (con người)."


Tham khảo Bloomberg


Lấy link







Chang co gi goi la "Tri tue nhan tao", tat ca chi la thuat ngu tiep thi


Trong khi cac cong cu AI moi dang duoc xem nhu phep mau cong nghe khi mang lai "tri tue" cho may moc, nhieu nha khoa hoc may tinh lai khong nghi nhu vay.

Chẳng có gì gọi là "Trí tuệ nhân tạo", tất cả chỉ là thuật ngữ tiếp thị

Trong khi các công cụ AI mới đang được xem như phép màu công nghệ khi mang lại "trí tuệ" cho máy móc, nhiều nhà khoa học máy tính lại không nghĩ như vậy.
Chẳng có gì gọi là Trí tuệ nhân tạo, tất cả chỉ là thuật ngữ tiếp thị
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: