ChatGPT ‘hâm nóng’ Hội nghị thượng đỉnh G7

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 19/4 cho biết, lãnh đạo của nhóm nước 7 nền kinh tế phát triển sẽ thảo luận về trí tuệ nhân tạo sinh tạo ChatGPT tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Hiroshima vào tháng tới.


“Các quy tắc quốc tế cần được tạo ra”, hãng thông tấn Kyodo dẫn lời ông Kishida trong buổi họp báo chuẩn bị cho Hội nghị G7.


Bình luận của Thủ tướng Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều lời kêu gọi xây dựng quy định quản lý các hệ thống AI tiên tiến do việc sử dụng ChatGPT và các ứng dụng AI khác đã trở nên phổ biến.


Tuần này, các nhà lập pháp EU cũng kêu gọi lãnh đạo thế giới tổ chức hội nghị thượng đỉnh thảo luận về cách kiểm soát những hệ thống như vậy. Tại Mỹ, lãnh đạo đa số thượng viện Chuck Schumer nói rằng, ông đang nỗ lực thiết lập các quy tắc về AI để giải quyết lo ngại về giáo dục và an ninh quốc gia.


ChatGPT và các ứng dụng AI tương tự đang đặt ra nhiều lo ngại trên khắp thế giới

Cũng trong ngày 19/4, 42 hiệp hội và công đoàn đại diện cho hơn 140.000 tác giả, nghệ sĩ tại Đức, quốc gia thành viên G7, kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy dự thảo quy định về AI khi mối đe doạ về bản quyền ngày càng gia tăng.


Các công đoàn trong lĩnh vực sáng tạo, cũng như hiệp hội dành cho nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế, nhà báo và hoạ sĩ đã bày tỏ quan ngại trong bức thư ngỏ gửi Uỷ ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và các nhà lập pháp EU.


Bức thư nhấn mạnh lo ngại về những ứng dụng AI như ChatGPT có thể bắt chước con người tạo ra nội dung văn bản và hình ảnh dựa trên lời nhắc.


“Việc sử dụng trái phép các tài liệu huấn luyện, quy trình xử lý không minh bạch và những tác động đến từ sản phẩm đầu ra của AI sinh tạo, đặt ra câu hỏi cơ bản về trách nhiệm giải trình, trách nhiệm pháp lý và thù lao cần được giải quyết trước khi hậu quả trở nên không thể khắc phục”, trích nội dung thư ngỏ.


Năm ngoái, Uỷ ban châu Âu đã đề xuất dự thảo quy định về AI và dự kiến hoàn thiện chi tiết cuối cùng trong những tháng tới trước khi ban hành thành luật.


Các hội, nhóm cho biết, cần quản lý AI sinh tạo trong toàn bộ chu kỳ sản phẩm, đặc biệt với các nhà cung cấp mô hình nền tảng. Họ cũng kêu gọi những nhà cung cấp công nghệ AI phải chịu trách nhiệm pháp lý với tất cả nội dung do AI tạo ra và phổ biến, nhất là các hành vi vi phạm quyền cá nhân, ăn cắp bản quyền, thông tin sai lệch hoặc phân biệt đối xử.


Ngoài ra, lá thư đề xuất những nhà cung cấp mô hình nền tảng như Microsoft, Alphabet (Google), Amazon và Meta Platform không được phép vận hành dịch vụ trung tâm để phân phối các nội dung kỹ thuật số.


Theo Reuters


ChatGPT ‘hâm nóng’ Hội nghị thượng đỉnh G7 Mỹ bắt đầu nghiên cứu quản lý ChatGPTChính quyền ông Joe Biden sẽ lấy ý kiến công chúng về các biện pháp quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) tiềm năng, trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại trước tác động của công nghệ đến an ninh và giáo dục.