Dấu hiệu Trung Quốc sắp chấm dứt đàn áp công nghệ trong nước

Nguồn tin của Reuters cho hay, nhà chức trách Trung Quốc đã giảm bớt cáo buộc và hạ mức tiền phạt đối với tập đoàn Ant, động thái cho thấy cuộc đàn áp kéo dài nhiều năm với lĩnh vực công nghệ nước này sắp kết thúc.


Theo đó, khoản tiền phạt đang được xem xét ít hơn 25% so với mức 1 tỷ USD dự kiến ban đầu, rơi vào khoảng 728 triệu USD (5 tỷ NDT).


Các nhà chức trách, trong đó có Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC), cơ quan đang giám sát tiến hành cải tổ Ant Group sau khi kế hoạch IPO trị giá 37 tỷ USD của tập đoàn này đổ bể vào năm 2020, sẽ công bố mức phạt chính thức trong thời gian tới.


Giới quan sát nhận định mức phạt này sẽ mở đường cho gã khổng lồ fintech lấy được giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tiếp tục tìm kiếm tăng trưởng trước khi hướng đến cái đích cuối cùng là khôi phục kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu.


Trung Quốc sắp đưa ra mức phạt cuối cùng đối với Ant Group, dấu hiệu cuộc đàn áp công nghệ của nước này sớm chấm dứt

Đối với lĩnh vực công nghệ rộng hơn, án phạt đánh dấu mốc quan trọng kết thúc cuộc đàn áp khốc liệt Trung Quốc nhằm vào các doanh nghiệp tư nhân, làm bay hơi hàng tỷ USD vốn hoá thị trường các công ty đại lục.


Mức phạt nhẹ hơn dự kiến được xem xét sau khi Jack Ma, người sáng lập Ant Group về nước sau hơn 1 năm ra nước ngoài sinh sống kể từ thất bại IPO của công ty, càng củng cố lập luận Bắc Kinh đã tỏ thái độ mềm mỏng hơn với lĩnh vực tư nhân.


Điều này đồng bộ với những nỗ lực của Trung Quốc trong củng cố niềm tin doanh nghiệp tư nhân và thúc đẩy phục hồi nền kinh tế trị giá 17 nghìn tỷ USD đang bị Covid-19 vùi dập.


Số liệu chính thức cho thấy kinh tế đại lục chỉ tăng trưởng 3% trong năm 2022, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, nhưng đã bắt đầu khởi sắc trở lại kể từ đầu năm đến nay. Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, tổng sản phẩm quốc nội nước này đã tăng 4,5% trong quý I/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.


Trong khi đó, với Ant, khoản tiền phạt thấp hơn có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực đối với công ty nói riêng và lĩnh vực fintech nói chung do quy mô kinh doanh cũng như vai trò của tập đoàn này với ngành là không hề nhỏ.


Một nguồn tin cho biết, các nhà quản lý xem xét giảm tiền phạt từ tháng 1 và đã liên lạc không chính thức với Ant Group về vấn đề này. Tuy nhiên, mức tiền phạt vẫn chưa phải cuối cùng và có thể còn thay đổi.


Giảm bớt cáo buộc


Ngoài việc giảm tiền phạt, nhà chức trách cũng đang tìm cách giảm nhẹ diễn đạt các cáo buộc của họ đối với Ant, động thái có thể xua tan lo ngại của khu vực tư nhân trong nước.


Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, tập đoàn này bị cáo buộc có những vi phạm khi “mở rộng vốn một cách vô trật tự” kéo theo rủi ro tài chính gây ra bởi hoạt động tự do của công ty.


Tỷ phú Jack Ma đã trở về Trung Quốc sau hơn 1 năm sinh sống tại nước ngoài, củng cố thêm niềm tin cho lĩnh vực tư nhân đại lục

Reuters cho biết, đến nay cơ quan quản lý Trung Quốc đã có giọng điệu mềm mỏng hơn khi viện dẫn những rủi ro tài chính và hoạt động điều hành lĩnh vực kinh doanh không có giấy phép phù hợp của Ant là nguyên nhân chính dẫn đến án phạt.


Kể từ tháng 4/2021, Ant đã tiến hành cuộc đại tu toàn bộ hoạt động kinh doanh, bao gồm việc chuyển thành công ty nắm giữ tài chính, tuân theo quy tắc và yêu cầu về vốn tương tự như các ngân hàng.


Chỉ 1 ngày sau khi Jack Ma trở lại đại lục trong tháng 3 vừa qua, Alibaba phát đi thông điệp cải tổ, tách thành 6 đơn vị và sẽ tìm cách gọi vốn hoặc niêm yết hầu hết các công ty con này - động thái được giới đầu tư coi là tín hiệu cho thấy cuộc đàn áp của Bắc Kinh với các tập đoàn tư nhân đã kết thúc.


Tập đoàn Ant đang vận hành siêu ứng dụng Alipay, có các hoạt động kinh doanh như xử lý thanh toán, cho vay tiêu dùng và phân phối sản phẩm bảo hiểm.


Cũng trong tháng 1, Jack Ma, tỷ phú từng sở hữu 50% quyền biểu quyết tại Ant, thông báo sẽ từ bỏ quyền kiểm soát công ty như một phần của kế hoạch tái cơ cấu.


Theo Reuters


Jack Ma về Trung Quốc thăm bạn cũ, trường xưa: Chỉ dấu mới cho công nghệ đại lục

Jack Ma về Trung Quốc thăm bạn cũ, trường xưa: Chỉ dấu mới cho công nghệ đại lục

Ngày 27/3, nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba Jack Ma đã quay về Trung Quốc, kết thúc 1 năm ra nước ngoài sinh sống.