Sáng 18/4 (theo giờ Việt Nam), hãng hàng không vũ trụ Mỹ SpaceX đã lên kế hoạch phóng tên lửa kèm tàu Starship lần đầu tiên từ cơ sở Starbase, thuộc Bờ biển vùng Vịnh phía Nam Texas (Mỹ).
Tuy nhiên, một sự cố đáng tiếc xảy ra với van điều áp ở khoang chứa nhiên liệu đã khiến buổi phóng bị tạm hoãn khi chỉ còn chưa đầy 9 phút đếm ngược.
Trên trang chủ, SpaceX cho biết sẽ phải đợi tối thiểu 48 giờ trước khi tiến hành một buổi phóng khác. Thời gian cho lần phóng tiếp theo vẫn chưa được công bố.
Trước khi buổi phóng diễn ra, Elon Musk, CEO SpaceX từng cho biết tại Hội nghị Morgan Stanley hôm 7/3 rằng tàu Starship chỉ có khoảng 50% cơ hội thành công để phóng lên quỹ đạo. "Tôi không nói rằng nó chắc chắc sẽ xảy ra, nhưng tôi đảm bảo rằng điều này sẽ vô cùng phấn khích", ông nhận định.
Không đáng ngạc nhiên khi Musk tìm cách làm giảm sự kỳ vọng của dư luận trước buổi phóng rất được mong đợi của tàu vũ trụ Starship. Lịch sử từng ghi nhận tên lửa thường thất bại trong những chuyến bay đầu tiên, và chỉ có được sự ổn định sau từ vài, cho tới hàng chục lần phóng.
Về Starship, đây được xem là tên lửa vũ trụ mạnh nhất thế giới tại thời điểm hiện nay, với lực đẩy khi phóng gấp khoảng 2,5 lần so với tên lửa Saturn V biểu tượng của NASA.
Phương tiện bay khổng lồ hạng siêu nặng này được cấu tạo từ tầng trên tên lửa Super Heavy và tàu vũ trụ Starship, là dự án đang phát triển của SpaceX nhằm đưa con người và hàng hóa lên Mặt Trăng, rồi tiếp đến là Sao Hỏa.
Mặc dù hiện nay, tàu Starship được cho là đã đủ mạnh để tự phóng từ Mặt Trăng và Sao Hỏa, nhưng vẫn cần tên lửa đẩy chuyên dụng Super Heavy để thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái đất.
Tàu Starship cũng được thiết kế để có thể tái sử dụng hoàn toàn và nhanh chóng. Đây là điều được Elon Musk coi là bước đột phá quan trọng, và cần thiết để biến việc "thuộc địa hóa Sao Hỏa" và các kế hoạch thăm dò đầy tham vọng khác trở nên khả thi.