Tokyo thách thức vị trí trung tâm dữ liệu châu Á của Bắc Kinh

Tổng công suất các trung tâm dữ liệu ở Tokyo dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 3 đến 5 năm tới, đứng thứ hai châu Á chỉ sau Bắc Kinh.


Thủ đô Nhật Bản đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Bắc Kinh khi các công ty công nghệ toàn cầu và doanh nghiệp khác quay lưng với Bắc Kinh do căng thẳng Mỹ - Trung cũng như lo ngại an ninh. Nhiều trung tâm dữ liệu đã mọc lên tại thành phố và khu vực lân cận. Inzai ở quận Chiba, phía đông Tokyo là nơi đặt nhiều trung tâm dữ liệu của các “đại gia” như Google, Amazon và NEC. Tất cả đều muốn tận dụng lợi thế gần thủ đô và ít bị thiên tai, mất điện.


Norihiro Matsushita, Giám đốc AirTrunk chi nhánh Nhật Bản, nhận xét nhu cầu đối với trung tâm dữ liệu đang tăng nhanh tại đây, Inzai là khu vực chiến lược.


Công suất của các trung tâm dữ liệu đặt tại các thành phố châu Á tính theo megawatt. (Ảnh: Nikkei)

Công suất của các trung tâm dữ liệu tại khu vực Tokyo đạt tổng cộng 865 megawatt vào cuối năm 2022, bằng một nửa Bắc Kinh. Tuy nhiên, nó có thể lên tới 1.970 megawatt trong 3 đến 5 năm, theo hãng dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield. Cushman & Wakefield ước tính Tokyo sẽ vượt Singapore và đứng thứ hai châu Á chỉ sau Bắc Kinh.


Thúc đẩy sự bùng nổ tại Nhật Bản là lưu lượng dữ liệu địa phương tăng mạnh do các công ty tiến hành chuyển đổi số, nhiều nhân viên làm việc ở nhà. Ngày càng nhiều công ty chuyển máy chủ đến gần quê nhà để tăng tốc độ chuyển dữ liệu, giảm rủi ro rò rỉ dữ liệu.


Căng thẳng Mỹ - Trung trong lĩnh vực thương mại và các vấn đề khác ngày một sâu sắc cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng khi sử dụng trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc. Nhật Bản được xem là điểm đến thay thế hấp dẫn.


Nằm giữa Bắc Mỹ và khu vực Á-Âu, Nhật Bản có thể đóng vai trò là trạm chuyển tiếp lý tưởng đối với Meta, Google và các hãng công nghệ Mỹ khác để chuyển lượng dữ liệu khổng lồ. Hiroshi Esaki, giáo sư Đại học Tokyo, chuyên gia về mạng lưới viễn thông thông tin toàn cầu, gọi Nhật Bản là “cửa ngõ vào châu Á đáng tin cậy”. Lượng dữ liệu di chuyển qua nước này dự kiến tăng khi nhiều tuyến cáp biển được đặt ở Thái Bình Dương.


Trong khi đó, vị thế trung tâm dữ liệu hàng đầu châu Á của Bắc Kinh đang suy yếu. Nhiều dự án xây dựng tại Bắc Kinh và Thượng Hải thất bại vì phong tỏa do Covid-19, theo Cushman & Wakefield. Các dự án cáp biển nối Hong Kong với Bắc Mỹ cũng bị đình chỉ hoặc điều chỉnh từ năm 2020.


Tập trung lượng lớn cơ sở dữ liệu sẽ giúp Nhật Bản bắt kịp với các đối thủ khi củng cố các ngành công nghiệp số. Việc phát triển hạ tầng dữ liệu tốc độ cao sẽ “đẩy nhanh số hóa trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của quốc gia”, theo giáo sư Esaki. Nó cũng giúp Nhật Bản thu hút nhiều tài năng từ nước ngoài.


Điều quan trọng là duy trì chi phí vận hành ở mức thấp. Các trung tâm dữ liệu tiêu thụ nhiều năng lượng, trong khi giá điện Tokyo cao hơn Trung Quốc khoảng 2 đến 3 lần. Vì vậy, chi phí của các trung tâm dữ liệu mới có thể tăng nếu hóa đơn điện tăng. Singapore đã để mất cơ hội về tay Malaysia và Thái Lan do giá điện và đất cao.


Để tránh phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Nhật Bản cần thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo rộng rãi và hiệu quả hơn. Chính phủ cũng muốn giảm tỷ lệ tập trung của trung tâm dữ liệu tại đô thị lớn bằng cách khuyến khích xây dựng ở các khu vực khác.


Theo Nikkei, Nhật Bản phải có chiến lược toàn diện để cạnh tranh với đối thủ nếu muốn thu hút trung tâm dữ liệu từ nước ngoài và dẫn đầu trong chuyển đổi số doanh nghiệp.


(Theo Nikkei)


TP.HCM có giá đất cạnh tranh để xây dựng trung tâm dữ liệu

TP.HCM có giá đất cạnh tranh để xây dựng trung tâm dữ liệu

TP.HCM vào nhóm 10 thị trường trọng điểm trên toàn cầu có giá đất cạnh tranh để lập trung tâm dữ liệu (data center).
Đâu sẽ là trung tâm công nghệ mới của châu Âu?

Đâu sẽ là trung tâm công nghệ mới của châu Âu?

Không phải ngẫu nhiên Mỹ phải ra sức vận động Hà Lan và Nhật Bản tham gia liên minh cấm vận công nghệ bán dẫn Trung Quốc.