Đại lý bán SIM kích hoạt sẵn vào “tầm ngắm”
Bộ trưởng Bộ TT&TT vừa ký công văn đề nghị các tỉnh, thành và các sở TT&TT thực hiện thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động từ ngày 5/4- 5/6.
Bộ TT&TT yêu cầu các sở TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên địa bàn quản lý của sở, cụ thể như sau: thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu lớn bất thường.
Bộ TT&TT yêu cầu các sở TT&TT làm việc, yêu cầu các trung tâm, chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dữ liệu đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng từ 50 SIM trở lên, cá nhân sử dụng từ 20 SIM trở lên. Bên cạnh đó sẽ thanh kiểm tra các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng SIM lớn nhất.
Bộ TT&TT cũng yêu cầu các sở TT&TT mời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn bất thường đến làm việc, cùng với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp viễn thông di động. Trường hợp chủ thuê bao không làm rõ được các SIM này đang ở đâu hoặc việc sở hữu các số thuê bao, sẽ lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động đình chỉ cung cấp dịch vụ, hoặc nhắn tin thông báo cho người sử dụng thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định nếu chủ thuê bao không thực hiện.
Đối với thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng lớn thực hiện tương tự trên, sở TT&TT chỉ đạo kiểm tra các trường hợp thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác, có cùng thông tin thuê bao và ảnh chụp giống nhau nhưng được tái sử dụng để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở các thời điểm khác nhau.
Đây là lần thứ 2 Bộ TT&TT nhắm đến thanh tra cái đại lý trên diện rộng. Trước đó, từ ngày 1/10/2019 - 20/11/2019, Bộ TT&TT đã thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Sau quá trình thanh tra, các Sở TT&TT đã xử phạt 12 chi nhánh và 21 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng số tiền là 417,25 triệu đồng.
Như vậy, rất có thể sau lần thanh tra, kiểm tra diện rộng này sẽ có nhiều đại lý SIM thẻ sẽ bị xử phạt với hành vi vi phạm về quản lý thông tin thuê bao trả trước.
Bộ TT&TT cho hay, lần thanh tra, kiểm tra trên diện rộng này sẽ xử lý mạnh tay với các đại lý đăng ký hàng loạt SIM rồi bán ra thị trường. Bên cạnh đó, những đối tượng thuê sinh viên, lao động tự do… đứng tên đăng ký hàng loạt SIM rồi đem bán sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm. Những cá nhân đứng ra đăng ký hộ SIM cho các đối tượng này cũng bị xử lý mạnh tay. Đợt kiểm tra này sẽ là biện pháp mạnh để chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Bộ TT&TT cho rằng, sau hàng loạt biện pháp mạnh tay này, sẽ có thông tin cá nhân chuẩn xác, từ số thuê bao có thể tra được thông tin cá nhân và ngược lại. Điều này, sẽ giúp phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng SIM để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và gây ra ảnh hưởng xấu đối với xã hội, đồng thời giúp những khách hàng có thông tin cá nhân chuẩn xác thuận tiện giao dịch trên môi trường số.
Biện pháp triệt để cho vấn nạn SIM rác
Để ngăn chặn vấn nạn SIM rác, nhiều ý kiến cho rằng, có 2 chủ thể cần nhắm đến đó là nhà mạng và đại lý SIM thẻ. Đại lý vẫn chiều khách hàng mua SIM không cần đăng ký và tìm mọi phương thức để có được nguồn SIM này. Nhà mạng vì cạnh tranh nhau nên làm ngơ các quy định để cho đại lý mặc sức làm sai. Khi cơ quan chức năng sờ đến thì xảy ra tình trạng “tướng đổ cho đồng và đồng đổ cho tướng” dẫn đến vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo gây nên hệ lụy cho xã hội.
Bộ TT&TT cho biết, với mỗi mạng viễn thông di động, cá nhân cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao đối với 3 số thuê bao di động trả trước đầu tiên, từ số thuê bao di động trả trước thứ tư trở đi, cần ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông. Đối với tổ chức phải cung cấp đầy đủ thông tin của mỗi cá nhân sử dụng từng số thuê bao mà tổ chức đăng ký. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng đại lý đứng tên hàng nghìn SIM hoặc thuê người đăng ký SIM rồi bán ra thị trường.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, Việt Nam có 126 triệu thuê bao di động và thị trường bắt đầu đến ngưỡng bão hòa. Một thống kê khác cho thấy, mỗi năm các nhà mạng đang giành nhau khoảng 800.000 thuê bao mới gia nhập thị trường. Như vậy, về cơ bản các nhà mạng sẽ không thể thay đổi được thị phần bằng cách giành giật thuê bao mới. Đây cũng là thời điểm tốt để siết chặt việc đăng ký thuê bao mới mà không ảnh hưởng nhiều đến xã hội, đồng thời quy trách nhiệm cho nhà mạng nhằm chặn đứng đầu ra của SIM rác. Bên cạnh đó, đã đến lúc có thể tính đến chuyện khách hàng có thể mua SIM bất kỳ đâu, nhưng bắt buộc phải đến điểm đăng ký của nhà mạng làm thủ tục đăng ký thông tin thuê bao. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng truy cứu trách nhiệm nhà mạng khi có hiện tượng SIM kích hoạt sẵn tung ra thị trường và cũng để nhà mạng kiểm soát tốt đối tượng đăng ký số lượng SIM lớn mà không giải thích được mục đích sử dụng.
Cho đến thời điểm này, tất cả các mạng có hạ tầng đều đã có trên 10 năm kinh doanh tại thị trường Việt Nam, nên không thể lấy lý do doanh nghiệp mới không có điểm giao dịch nên phải dùng đại lý để đẩy trách nhiệm sang đó. Viễn thông là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nếu các doanh nghiệp viễn thông không đủ điều kiện mà cơ quan nhà nước đưa ra để đảm bảo cho một thị trường viễn thông phát triển lành mạnh thì cũng không nên tham gia thị trường này.
Đề xuất xử lý người đứng đầu nhà mạng nếu để sai phạm về quản lý thuê bao
Bộ TT&TT vừa yêu cầu thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động từ ngày 5/4- 5/6 và sẽ đề xuất xử lý người đứng đầu nhà mạng nếu để sai phạm về quản lý thuê bao.
Mỗi ngày có hơn 50.000 thuê bao bị khóa đi chuẩn hóa lại thông tin
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, sau khi bị khóa chiều gọi đi đã có 160.000 thuê bao bị khóa đi chuẩn hóa thông tin cá nhân.
Để không bị cắt dịch vụ, người dùng di động có thông tin chưa khớp với CSDLQG về dân cư có thể chuẩn hóa thông tin thuê bao theo hướng dẫn dưới đây.