Bloomberg và Reuters cùng đưa tin về cuộc họp báo thường kỳ cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, ngành trong 3 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Bộ cho biết, TikTok chưa làm hết sức để loại bỏ thông tin xấu độc. Chính phủ có thể sớm thực hiện các biện pháp hạn chế hoạt động của các mạng xã hội phổ biến vi phạm pháp luật.
Bloomberg dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cho biết, thiếu các biện pháp kiểm soát hiệu quả khiến tràn lan tin giả, nội dung lệch lạc và chống phá Đảng, Nhà nước trên TikTok, gây nguy hại đến văn hóa và đạo đức của đất nước.
Theo ông Lê Quang Tự Do, việc quản lý yếu kém đã dẫn đến các nội dung vi phạm bản quyền và tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Hãng tin tài chính nhận định bình luận của Bộ TT&TT Việt Nam tương đồng với các chính phủ trên khắp thế giới đang muốn giám sát tác động của mạng xã hội chặt chẽ hơn. TikTok trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nước. Ứng dụng đã bị cấm tại Ấn Độ và đang bị giám sát gắt gao tại Mỹ, nơi nhiều bang cấm sử dụng trên thiết bị nhà nước do lo ngại công ty mẹ ByteDance có thể chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh.
Bộ chuẩn bị kiểm tra “toàn diện” hoạt động của TikTok tại Việt Nam và sẽ có một đoàn kiểm tra liên ngành vào tháng 5.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời ông Lê Quang Tự Do cho biết, việc quản trị nội dung trên TikTok “khó hơn nhiều” so với các nền tảng khác. Ông khẳng định cần biện pháp cứng rắn hơn để chống lại các nội dung này, không chỉ dừng lại ở việc gỡ bỏ.
Tại buổi họp báo, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ, TikTok, Facebook và YouTube là các nền tảng xuyên biên giới với các tiêu chuẩn quốc tế nhưng khi hoạt động tại Việt Nam, cần tuân thủ pháp luật trong nước về cả nội dung và nghĩa vụ thuế. Các nền tảng không tuân thủ quy định địa phương sẽ không được chào đón và sẽ không được phép hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bloomberg cũng nhắc đến nỗ lực của Bộ TT&TT trong việc loại bỏ các thông tin độc hại trên mạng xã hội như thời gian hạ thông tin giả, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ, có thông tin đặc biệt chỉ trong 3 giờ. Bộ cũng đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc đưa mức phạt lên đủ sức răn đe đối với hành vi đưa thông tin giả.
Trả lời Reuters, TikTok Việt Nam cho biết đã xóa bỏ 1,7 triệu video trong quý IV/2022 do vi phạm pháp luật Việt Nam. Về việc bị kiểm tra toàn diện, công ty nói đây là điều phù hợp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động ở đây, không chỉ riêng TikTok. Hãng cũng đã cập nhật hướng dẫn, dự kiến có hiệu lực từ ngày 21/4 để minh bạch hơn về các quy định và thi hành.
Theo dữ liệu từ DataReportal, TikTok có gần 50 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam. Báo cáo của Kepios và We Are Social chỉ ra ứng dụng của ByteDance xếp thứ ba, sau Facebook và Zalo, về người dùng trong nước, với 77,5% người dùng Internet trong độ tuổi từ 18 đến 64 sử dụng tính đến quý III/2022.
(Theo Bloomberg, Reuters)
Đầy rẫy nội dung nhảm nhí và “độc hại” trên TikTok
Video nội dung nhảm nhí câu view, truyền bá mê tín dị đoan, tin giả tràn lan hay cả những thông tin "nhạy cảm" về chính trị đều xuất hiện trên TikTok tại Việt Nam.
Thuật toán của TikTok gây nghiện và giúp lan truyền nhanh tin giả
Việc đề xuất nội dung tập trung theo trend khiến cho thuật toán của TikTok có thể thao túng tâm lý người dùng, gây nghiện và kèm theo là khả năng lan truyền tin giả một cách nhanh chóng.
Mặc dù khoá tài khoản vi phạm vĩnh viễn, nhưng TikTok vẫn cho phép người dùng tạo tài khoản mới và đưa nội dung lên lại ngay lập tức. Bên cạnh đó, các tài khoản lấy lại nội dung sai phạm cũng không bị xử lý.