Điện thoại “cục gạch” lậu giá siêu rẻ đang được tuồn vào Việt Nam

Ông Đỗ Minh Phương, Phó tổng giám đốc Viettel cho hay, đang có hiện tượng điện thoại “cục gạch” 2G được nhập lậu với giá rất rẻ làm ảnh hưởng đến lộ trình tắt sóng 2G.


Phát biểu tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT ngày 7/4, ông Đỗ Minh Phương, Phó tổng giám đốc Viettel cho hay, tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ đang có hiện tượng điện thoại “cục gạch” 2G được nhập lậu với giá rất rẻ, chỉ với giá 150.000 đồng – 200.000 đồng/chiếc.


Ông Đỗ Minh Phương còn cho biết, một số nơi tỷ lệ người dân dùng điện thoại 2G trên mạng Viettel vẫn chiếm trên 30%. Những chiếc điện thoại 2G giá rẻ này sẽ làm ảnh hưởng đến lộ trình tắt sóng 2G. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để xử lý vấn đề này.


Trả lời đại diện Viettel, Bộ TT&TT cho biết, Bộ sẽ có văn bản phối hợp với Bộ Công thương để tiến hành thanh kiểm tra tại các địa phương có số điện thoại 2G nhập lậu nhiều. Bên cạnh đó, Bộ sẽ có thêm hướng dẫn về tiêu chuẩn cho các dòng smartphone 5G nhập vào Việt Nam.


Một số nơi tỷ lệ người dân dùng điện thoại 2G trên mạng Viettel vẫn chiếm trên 30%

Trước đó, ngày 27/9/2022, Bộ TT&TT đã có công văn về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.


Các doanh nghiệp di động căn cứ định hướng xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G, cụ thể phải triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G, 5G, phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G. Đồng thời, kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ này và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.


Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người sử dụng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone, các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.


Mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt - đó là phổ cập mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam. Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.


Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu.


Để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Bộ TT&TT cũng đã đưa ra Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất. Theo đó, các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.


Điện thoại “cục gạch” lậu giá siêu rẻ đang được tuồn vào Việt Nam Chậm nhất đến tháng 9/2024 Việt Nam sẽ tắt sóng 2GNhà mạng phải triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G, 5G, để đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G.