Trung Quốc toan tính gì khi xây dựng tuyến cáp biển 500 triệu USD?

Đây là nỗ lực nhằm cạnh tranh với dự án tương tự do Mỹ hậu thuẫn


Đây là nỗ lực nhằm cạnh tranh với dự án tương tự do Mỹ hậu thuẫn. Reuters nhận định kế hoạch là dấu hiệu cho thấy nguy cơ “xé toạc” kết cấu Internet toàn cầu từ cuộc chiến công nghệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.


Ba nhà mạng lớn của Trung Quốc – China Telecom, China Mobile và China Unicom – đang lập bản đồ một trong những mạng cáp quang biển tiên tiến nhất và phạm vi tiếp cận lớn nhất thế giới. Với tên gọi EMA, tuyến cáp này sẽ kết nối Hong Kong (Trung Quốc) với Hải Nam trước khi đến Singapore, Pakistan, Ả-rập Xê-út, Ai Cập và Pháp.


Công nhân lắp đặt cáp biển 2Africa trên bãi biển tại Amanzimtoti, Nam Phi ngày 7/2. (Ảnh: Reuters)

Tuyến cáp tốn khoảng 500 triệu USD để hoàn thiện, do HMN Technologies sản xuất và lắp đặt. Nguồn tin của Reuters tiết lộ chính phủ Trung Quốc sẽ tài trợ để HMN Tech làm dự án này.


Trong tuyên bố gửi Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, “luôn khuyến khích doanh nghiệp trong nước thực hiện đầu tư và hợp tác nước ngoài”, nhưng không bình luận trực tiếp về dự án cáp EMA.


Tháng trước, Reuters đưa tin Mỹ đã ngăn cản thành công một số dự án cáp biển của Trung Quốc trong 4 năm qua, do lo ngại Bắc Kinh theo dõi dữ liệu Internet. Washington còn chặn giấy phép đối với các tuyến cáp biển tư nhân đã được lên kế hoạch từ trước, kết nối Mỹ với Hong Kong, trong đó có các dự án của Google, Meta và Amazon.


Cáp quang biển chuyên chở hơn 95% lưu lượng Internet quốc tế. Hàng thập kỷ nay, chúng thuộc về các tập đoàn viễn thông và công nghệ - những tổ chức bỏ nhiều nguồn lực xây dựng các mạng lưới lớn để dữ liệu di chuyển khắp thế giới. Tuy nhiên, chúng cũng dễ bị theo dõi và phá hoại, trở thành vũ khí quan trọng trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai cường quốc đang trong cuộc chiến thống thị công nghệ tiên tiến, sẽ xác định ưu thế quân sự và kinh tế trong tương lai.


Dự án EMA của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với tuyến cáp khác đang được SubCom của Mỹ xây dựng, có tên SeaMeWe-6 (Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu – 6), kết nối Singapore với Pháp qua Pakistan, Ả-rập Xê-út, Ai Cập và khoảng 6 quốc gia khác. Ban đầu, liên minh làm SeaMeWe-6 chọn HMN Tech làm đơn vị thi công song chính phủ Mỹ đã gây áp lực và phải đổi sang SubCom vào năm ngoái, theo Reuters.


“Cuộc tấn công” chớp nhoáng của Mỹ bao gồm chi hàng triệu USD đào tạo cho các hãng viễn thông nước ngoài để họ thay đổi lựa chọn. Bộ thương mại Mỹ cũng trừng phạt HMN Tech vào tháng 12/2021, cáo buộc công ty muốn mua công nghệ Mỹ để hỗ trợ hiện đại hoá quân đội Trung Quốc. Điều này làm suy yếu tính khả thi của dự án vì các ông chủ của tuyến cáp do HMN Tech xây sẽ không thể bán băng thông cho khách hàng Mỹ.


China Telecom và China Mobile đã rút lui khỏi dự án sau khi SubCom được lựa chọn. Họ cùng với China Unicom bắt đầu lên kế hoạch cho tuyến cáp EMA. Ba nhà mạng muốn sở hữu hơn một nửa mạng lưới mới, nhưng cũng đang đàm phán với các đối tác ngoại. Năm nay, họ đã ký các biên bản ghi nhớ riêng biệt với bốn hãng viễn thông của Pháp, Pakistan, Ai Cập và Ả-rập Xê-út. Các nhà mạng Trung Quốc cũng thảo luận với SingTel, đồng thời tiếp cận các nước khác tại châu Á, châu Phi, Trung Đông.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Mỹ ủng hộ Internet tự do, cởi mở và bảo mật. Các nước nên ưu tiên bảo mật và quyền riêng tư bằng cách “loại bỏ hoàn toàn các nhà sản xuất không đáng tin cậy” đối với mạng không dây, cáp quang biển và đất liền, vệ tinh, dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu.


Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối “các vi phạm quy định quốc tế” của Mỹ xoay quanh hợp tác cáp quang biển.


Chia rẽ thế giới


Các dự án cáp quang biển lớn thường mất ít nhất 3 năm từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thiện. Các công ty Trung Quốc hi vọng làm xong hợp đồng vào cuối năm và tuyến EMA sẵn sàng kết nối vào cuối năm 2025. Nguồn tin của Reuters cho biết, nó sẽ mang lại cho nước này lợi ích chiến lược trong cuộc đối đầu với Mỹ.


Đầu tiên, EMA sẽ tạo ra kết nối mới siêu nhanh giữa Hong Kong, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, thứ mà Washington muốn ngăn cản. Tiếp theo, nó giúp các nhà mạng quốc doanh Trung Quốc tiếp cận xa hơn và được bảo vệ nếu bị loại trừ khỏi các tuyến cáp do Mỹ hậu thuẫn trong tương lai.


Một lãnh đạo viễn thông tham gia thương vụ nhận định: “Nó giống như mỗi bên đều trang bị băng thông cho mình”.


Bốn người liên quan đến dự án cho biết, chưa bao giờ có chuyện xây dựng song song hai tuyến cáp kết nối Á – Âu của Mỹ và Trung Quốc xảy ra. Nó là dấu hiệu sớm cho thấy, hạ tầng Internet toàn cầu – bao gồm cáp biển, trung tâm dữ liệu và mạng di động – có thể bị chia rẽ trong thập kỷ tới.


Các nước cũng sẽ bị buộc phải lựa chọn giữa thiết bị Internet được Trung Quốc phê duyệt hay mạng do Mỹ hậu thuẫn, củng cố sự chia rẽ trên toàn thế giới. Đồng thời, khiến cho những công cụ đang thúc đẩy kinh tế toàn cầu như ngân hàng trực tuyến, hệ thống định vị vệ tinh, trở nên chậm hơn, kém tin cậy hơn, theo Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng tại tổ chức RAND (Mỹ).


“Dường như chúng ta chuẩn bị đi trên một con đường, nơi có cả Internet do Mỹ dẫn dắt và Internet do Trung Quốc dẫn dắt”, Heath chia sẻ trên Reuters. Theo nhà phân tích, Mỹ và Trung Quốc càng tách rời trong địa hạt công nghệ thông tin, các chức năng cơ bản và thương mại toàn cầu càng khó thực hiện.


Antonia Hmaidi, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator, cho rằng mạng Internet hoạt động tốt nhờ dữ liệu di chuyển qua nhiều tuyến cáp khác nhau trong thời gian cần thiết. Nếu dữ liệu phải di chuyển theo các tuyến được Washington và Bắc Kinh chấp thuận, người dùng Internet sẽ phải dùng dịch vụ xuống cấp, khó kinh doanh hay liên lạc với mọi người từ khắp nơi. “Đột nhiên, toàn bộ kết cấu của Internet sẽ không hoạt động như dự định”, Hmaidi chia sẻ.


Trận chiến ăn miếng trả miếng vì hạ tầng Internet phản ánh xung đột đang diễn ra giữa các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của Mỹ và Trung Quốc. Mỹ và đồng minh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị chính phủ do lo ngại an ninh quốc gia. Ngược lại, Trung Quốc chặn nhiều công nghệ phương Tây như Google, YouTube, Facebook và Twitter.


(Theo Reuters)


Từ sự cố cáp quang biển, Việt Nam có cơ hội trở thành hub kết nối khu vực

Từ sự cố cáp quang biển, Việt Nam có cơ hội trở thành hub kết nối khu vực

Qua xử lý tình huống nhiều tuyến cáp biển gặp sự cố, Bộ TT&TT nhận thấy cơ hội mới để phát triển các tuyến cáp biển, đưa Việt Nam thành hub kết nối trong khu vực, giảm phụ thuộc vào 2 hub chính hiện nay là Singapore, HongKong (Trung Quốc).
Mở tuyến cáp trên đất liền, dồn tổng lực để Internet đi quốc tế không bị nghẽn

Mở tuyến cáp trên đất liền, dồn tổng lực để Internet đi quốc tế không bị nghẽn

Doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, mở thêm dung lượng trên đất liền và chia sẻ dung lượng với nhau để đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế.