Thành phố không có TikTok

Khoảng 150 triệu người dùng Mỹ đang đối mặt với khả năng không còn được sử dụng TikTok. Tuy nhiên, người dân Hong Kong (Trung Quốc) đã quen thuộc với điều này.


Các nhà lập pháp Mỹ đang kêu gọi cấm hoàn toàn TikTok, ứng dụng video ngắn của Trung Quốc do lo ngại an ninh quốc gia và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần thanh thiếu niên. Ngược lại, TikTok quảng bá là không gian cộng đồng quan trọng, nền tảng giáo dục và nơi giải trí.


Khoảng 150 triệu người dùng Mỹ có thể sống thiếu TikTok nếu lệnh cấm được ban hành. Tại Hong Kong, TikTok đã ngừng hoạt động từ năm 2020. Sự rút lui đột ngột của ứng dụng gây phản ứng trái chiều: kẻ thất vọng, người lại vui mừng vì cuộc sống nay tốt đẹp hơn.


Tại thời điểm ba năm trước, TikTok chỉ có quy mô khiêm tốn tại đặc khu và chưa bành trướng như ở Mỹ hiện nay. Dù vậy, nó có thể giúp người Mỹ hình dung phần nào về một tương lai không có TikTok.


Những cơ hội bị đánh mất


TikTok thông báo rút khỏi Hong Kong vào tháng 7/2020, gây bất ngờ cho cộng đồng người dùng và nhà phát triển. Shivani Dukhande là một trong số đó. Cô có khoảng 45.000 người theo dõi vào thời điểm ấy.


Một video TikTok của Dukhande

Dukhande, 25 tuổi, bắt đầu nổi tiếng vào đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 khởi phát. Cô thường làm các nội dung về đời sống như nấu ăn, tập luyện. Vì có nhiều nhà sáng tạo mới không ngừng nổi lên, cô phải làm việc cùng với những người khác để thảo luận về các ý tưởng mới, thành lập một cộng đồng.


Cùng với sự phất lên của tài khoản TikTok, các doanh nghiệp bắt đầu tìm đến Dukhande, trả tiền cho các nội dung và hợp tác cho chiến dịch quảng cáo. Các thương hiệu bắt tay với nhà sáng tạo nội dung thực hiện những “thử thách” phổ biến nhằm thu hút khách hàng trẻ.


“Ngày càng nhiều người gia nhập và nó thực sự thất thú vị. Tuy nhiên, tất cả biến mất chỉ trong một buổi sáng”, Dukhande hồi tưởng. Nếu mọi thứ tiếp tục, cô có thể đã từ bỏ công việc văn phòng và có cơ hội theo đuổi sự nghiệp khác.


Đây là một trong những luận điểm mà TikTok đưa ra trong vài tuần gần đây. Nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đã dựa vào nền tảng để kiếm sống. TikTok cho biết, gần 5 triệu doanh nghiệp Mỹ sử dụng ứng dụng, tính đến tháng 3. Hãng nghiên cứu Omdia từng dự đoán doanh thu quảng cáo TikTok sẽ vượt doanh thu quảng cáo của Meta và YouTube cộng lại vào năm 2027.


Đó là vì mọi người đang dành nhiều thời gian trên TikTok hơn bao giờ hết. Trong quý II/2022, người dùng toàn cầu dành trung bình 95 phút mỗi ngày cho ứng dụng, theo Sensor Tower, gần gấp đôi thời gian trên Facebook và Instagram.


Tại Hong Kong, nhiều đối thủ đã nhảy vào chỗ trống của TikTok và phát triển nhanh chóng. Dukhande cũng “nhảy thuyền” sang Reels của Instagram. Cô phải xây dựng khán giả từ đầu và hiện có hơn 12.500 người theo dõi trên Instagram. Dù vậy, cô vẫn xem TikTok là một cơ hội bị đánh mất và cộng đồng nhà sáng tạo nội dung phần lớn trở nên mờ nhạt.


Vui mừng khi không có TikTok


Tuy nhiên, với một số người khác, sự biến mất của TikTok lại đáng hoan nghênh. Poppy Anderson, 16 tuổi, bắt đầu dùng ứng dụng từ năm 2018. Như bạn bè đồng trang lứa, cô bé dành hàng giờ chỉ để cuộn và cuộn màn hình. Song, cô cho biết gần như mình không đọng lại gì từ các video này.


Anderson mô tả TikTok như môi trường độc hại, nuôi dưỡng suy nghĩ hạn hẹp, tâm lý bầy đàn, hành vi không phù hợp như phán xét cơ thể người khác. Ngay cả những người cô bé quen cũng hành động khác lạ sau khi đăng ký ứng dụng, làm ảnh hưởng đến tình bạn giữa họ.


Martin Poon, 15 tuổi, cũng nhận thấy TikTok không tốt nhưng không thể bỏ được. Đó là vì mọi người xung quanh đều sử dụng và bạn không muốn bỏ lỡ những gì đang xảy ra.


Một số tài khoản độc hại như Andrew Tate – người gần đây bị bắt tại Romania với cáo buộc buôn người và hiếp dâm – vô cùng phổ biến với các học sinh nam cùng trường Poon. Poon cho rằng, việc những người này ảnh hưởng lớn đến giới trẻ và tác động đến suy nghĩ, hành vi rất đáng lo ngại. Dù vậy, cậu nói thêm rằng thông tin sai sự thật là vấn đề lớn trên mọi nền tảng mạng xã hội, không riêng gì TikTok.


Từ lâu, các chuyên gia đã lo ngại về ảnh hưởng của TikTok đến sức khỏe tinh thần của người trẻ. Một nghiên cứu chỉ ra ứng dụng có thể hiển thị nội dung độc hại liên quan đến tự tử, rối loạn ăn uống cho thanh thiếu niên chỉ sau vài phút tạo tài khoản.


Trước áp lực ngày một tăng, TikTok triển khai hạn chế xem 1 giờ mỗi ngày với người dưới 18 tuổi. Song, người dùng có thể tắt cài đặt này dễ dàng.


Anderson thừa nhận, TikTok có nhiều mặt tích cực như thảo luận cởi mở về sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, cô bé vẫn rất vui mừng khi ứng dụng không còn truy cập được nữa. Cô dễ ngủ hơn vì không còn bị TikTok quyến rũ. Cô tự nhận mình không thể từ bỏ nếu chỉ dựa vào nỗ lực bản thân.


Khám phá đam mê mới


Với Poon và người bạn Ava Chan, TikTok biến mất là khởi đầu cho nhiều thứ khác. Khi ứng dụng rút lui năm 2020, học sinh học tập từ xa, không được gặp gỡ bạn bè và cảm thấy buồn chán. Chúng phải tìm ra cách tận dụng thời gian vì không còn TikTok.


Poon và Chan khám phá sâu hơn những đam mê của mình, cụ thể là đa dạng thần kinh (gồm những người mắc các chứng như tự kỷ, khó đọc, tăng động giảm chú ý). Cả hai mở một câu lạc bộ đa dạng thần kinh ở trường để nâng cao nhận thức, giáo dục cho mọi người, cũng như tham gia các hoạt động tình nguyện với những người đa dạng thần kinh.


Điều này giúp các em sống có mục đích hơn và nhìn thấy nhiều lợi ích khác. Trong khi đó, bạn bè của cả hai - trước đây chỉ dành thời gian để quay và xem TikTok – bắt đầu trò chuyện trực tiếp nhiều hơn. Các hoạt động ngoài trời cũng tăng lên, sức khỏe tinh thần được cải thiện.


Tất nhiên, là trẻ vị thành niên, chúng không thể sống thiếu mạng xã hội hoàn toàn. Mạng xã hội trở thành công cụ để quảng bá câu lạc bộ, không còn gặp áp lực từ những giờ xem TikTok liên tục nữa.


“Nhiều người đã quên TikTok. Mọi người chuyển sang các nền tảng khác, hoặc đơn giản là bỏ qua”, Anderson chia sẻ.


(Theo CNN)


Cái khó của TikTok

Cái khó của TikTok

TikTok muốn giữ khoảng cách với Trung Quốc, song Bắc Kinh lại lên tiếng trước tình hình của ứng dụng này tại Mỹ.
CEO TikTok bắt chước Mark Zuckerberg?

CEO TikTok bắt chước Mark Zuckerberg?

Trên “ghế nóng”, CEO TikTok Shou Zi Chew làm người ta liên tưởng đến một biểu tượng của Silicon Valley: Mark Zuckerberg.