Giám đốc điều hành Sundar Pichai tuyên bố Google đang lên kế hoạch bổ sung các tính năng AI đàm thoại vào công cụ tìm kiếm hàng đầu Search với hy vọng có thể giải tỏa áp lực từ cơn sốt chatbot và một số vấn đề khác.
Theo ông Pichai, những tiến bộ trong AI sẽ cải thiện khả năng truy vấn tìm kiếm của Google. Vị CEO này theo đó bác bỏ quan điểm cho rằng chatbot là mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh tìm kiếm của hãng - lĩnh vực vốn chiếm hơn một nửa doanh thu của công ty mẹ Alphabet.
“Cơ hội, nếu có, là lớn hơn trước,” ông Pichai, CEO Google nói.
Google từ lâu đã nắm vị thế dẫn đầu trong việc phát triển các chương trình máy tính được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn, chẳng hạn như LLM, có thể xử lý và phản hồi bằng ngôn ngữ tự nhiên giống con người. Tuy nhiên, tập đoàn này chưa tận dụng công nghệ này nhằm tác động đến cách người dùng sử dụng công cụ Search.
“Liệu mọi người có thể đặt câu hỏi cho Google và tương tác với LLM khi tìm kiếm không? Chắc chắn rồi,” ông Pichai nói.
Trong bối cảnh đối thủ Microsoft ra mắt Bing, Sundar Pichai đang phải đối phó với một trong những rủi ro lớn nhất trong hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhất là vấn đề cắt giảm chi tiêu. Vào tháng 1, Alphabet thông báo cắt giảm khoảng 12.000 việc làm, tương đương 6% lực lượng lao động, qua đó đánh dấu đợt sa thải lớn nhất từ trước đến nay. Những lo ngại về lạm phát và suy thoái đã thúc đẩy các công ty công nghệ thắt lưng buộc bụng. Ông Pichai cho biết Google vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đạt năng suất hơn 20%, song vẫn hài lòng với tốc độ thay đổi hiện tại.
Tuần trước, Giám đốc tài chính Google Ruth Porat thông báo đợt cắt giảm mới và áp dụng nó với cả cơ sở hạ tầng máy tính của công ty. Đây vốn được cho là yếu tố quan trọng trong việc phát triển và chạy các thuật toán AI mạnh mẽ.
“Chúng tôi đang tập trung vào việc tiết kiệm lâu dài. Chúng tôi hài lòng với tiến độ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.”, Pichai nói, đồng thời khẳng định Google đã thúc đẩy công cuộc AI bất chấp việc cắt giảm chi phí.
Google nghiên cứu AI trong nhiều năm, song lại chậm chân hơn công ty khởi nghiệp OpenAI do Microsoft hậu thuẫn. Một cuộc chạy đua tích hợp công nghệ theo đó bùng nổ, sau khi Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella tuyên bố sẽ nhằm vào công cụ tìm kiếm thống trị của Google.
Tháng đó, Microsoft tích hợp công nghệ đằng sau ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing - thứ tụt hậu khá xa so với công cụ tìm kiếm của Google. Điều này cho phép người dùng tham gia vào các cuộc trò chuyện mở rộng, qua đó dự kiến giúp Microsoft tạo ra doanh thu 2 tỷ USD.
Đáp lại, ông Pichai cho biết Google sẽ cho phép người dùng tương tác trực tiếp với các mô hình ngôn ngữ lớn thông qua công cụ tìm kiếm. Quyết định này giúp nâng cao trải nghiệm dựa trên các liên kết truyền thống vốn đã trở thành tiêu chuẩn trong hơn 2 thập kỷ.
Ngoài ra, Google cũng đang thử nghiệm một số sản phẩm tìm kiếm mới, chẳng hạn như các phiên bản cho phép người dùng đặt câu hỏi cho các truy vấn ban đầu. Họ cũng sẽ bắt đầu “tích hợp LLM một cách chu đáo vào Search”, song chưa công bố kế hoạch cụ thể.
Google đã bắt đầu thử nghiệm các tính năng AI mới trong Gmail và các sản phẩm liên quan. Quảng cáo tìm kiếm vẫn là công cụ kiếm tiền lớn nhất cho Google và mang lại doanh thu 162 tỷ USD vào năm ngoái.
Gã khổng lồ này từng khá thận trọng với công nghệ AI, cảnh báo rằng nó có thể thay đổi hoàn toàn cách người dùng tương tác với Search. Trong khi đó, các chuyên gia quan ngại về tính chính xác của các chatbot. Vào tháng 3, thời điểm Google mở quyền truy cập công khai vào Bard, công ty này đã không tích hợp chatbot mới vào công cụ tìm kiếm của mình.
“Thật đáng kinh ngạc khi thấy sự hào hứng của người dùng đối với việc áp dụng những công nghệ mới mẻ”, ông Pichai nói, đồng thời khẳng định Google vẫn đang cố gắng tìm kiếm thị trường phù hợp.
Giống như Microsoft, Google đặt mục tiêu đầu tư vào các mô hình AI để cải thiện hoạt động kinh doanh rộng lớn. Tập đoàn này mới đây đã sử dụng hơn 4.000 chip Tensor v4 chế tạo thành công siêu máy tính huấn luyện AI với hiệu suất và năng lực tiết kiệm điện tốt hơn đối thủ Nvidia. Các con chip đã được kết nối thông qua công tắc quang học tự phát triển - chìa khóa giúp các công ty chế tạo bộ xử lý cho siêu máy tính AI.
Theo một báo cáo khoa học mới được công bố, hãng cho biết siêu máy tính được dùng để huấn luyện mạng thần kinh nhân tạo; hoạt động nhanh và hiệu quả hơn so với hệ thống tương tự sử dụng chip A100 của Nvidia. Nó được trang bị chip Tensor Processing Unit (TPU) thế hệ thứ tư do chính Google thiết kế.
Theo Reuters, Google dùng siêu máy tính để huấn luyện PaLM, mô hình ngôn ngữ lớn được đánh giá tốt nhất hiện nay. Google cho biết hệ thống có thể dễ dàng cấu hình lại kết nối giữa các chip một cách nhanh chóng, giúp giảm sự cố và cải thiện hiệu suất hoạt động.
“Hiệu suất, khả năng mở rộng và tính khả dụng có thể khiến siêu máy tính TPU v4 trở thành người tiên phong trong mô hình ngôn ngữ lớn”, các chuyên gia nhận định.
Theo: WSJ, CNBC
Lấy link