Bức ảnh về quầng sáng bí ẩn được Valter Binotto, một nhiếp ảnh gia hiện tượng thiên nhiên, chụp được trên bầu trời thị trấn Possagno (miền bắc nước Ý) vào đêm 27/3 vừa qua, nhưng đến nay sự thật về quầng sáng này mới được hé lộ.
Binotto cho biết mình đã phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng để ghi lại hiện tượng kỳ diệu này.
"Với những chiếc máy ảnh thông thường, chúng rất khó để chụp khoảnh khắc thiên nhiên", Valter Binotto chia sẻ. "Nhiều hiện tượng thiên nhiên với ánh sáng phát ra rất thấp khiến cảm biến máy ảnh thông thường không thể nhìn thấy được. Tôi phải sử dụng máy ảnh không có bộ lọc hồng ngoại bình thường để có thể chụp được nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ thú".
Để chụp được bức ảnh khoảnh khắc quầng sáng xuất hiện trên bầu trời đêm, Binotto đã sử dụng một chiếc máy ảnh Sony a7S gắn ống kính Nikon 20mm f/1.8. Máy ảnh được thiết lập ở mức ISO 51.200 và khẩu độ mở rộng.
Quầng sáng bí ẩn khổng lồ ước tính có đường kính lên đến 360km, chớp lên trong một tích tắc rồi biến mất, khiến nhiều người chứng kiến xôn xao về khoảnh khắc giống như một cảnh trong phim khoa học viễn tưởng.
Theo trang web Spaceweather.com, quầng sáng bí ẩn này là một hiện tượng thiên nhiên rất hiếm gặp, được gọi là "sự phát xạ ánh sáng và nhiễu loạn tần số rất thấp do các nguồn xung điện từ", hay còn được viết tắt là ELVE (Emissions of Light and Very Low-Frequency Perturbations due to Electromagnetic Pulse Sources). Đây là một sự nhiễu loạn hiếm gặp xảy ra ở tầng bình lưu hoặc trung lưu của bầu khí quyển, gây ra do một tia sét cực mạnh xuất hiện trong các cơn giông hoặc bão.
ELVE là một hiện tượng rất hiếm gặp và để nhìn thấy hiện tượng này cần phải đứng ở rất xa cơn giông gây ra nó. Hiện tượng ELVE được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990 bởi camera gắn trên tàu con thoi của NASA.
Hiện tượng ELVE xuất hiện tại vị trí mà xung điện từ do một tia sét cực mạnh gây ra và va chạm vào tầng điện ly của trái đất. Những tia sét gây ra hiện tượng ELVE mang cường độ dòng điện lớn gấp 10 lần những tia sét thông thường.
Binotto tin rằng quầng sáng khổng lồ mà anh chụp lại được gây ra bởi một cơn giông lớn xuất hiện tại Ancona, một thành phố cách thị trấn Possagno khoảng 280km.
Thông thường, các tia sét không gây ra hiện tượng ELVE vì chúng không mang đủ dòng điện. Nhưng trong cơn giông này, một tia sét mạnh bất thường có thể đã tạo ra sóng xung kích, sau đó đánh thẳng vào tầng điện ly. Khi các electron từ bên trong xung điện từ chạm vào tầng điện ly, các hạt tích điện sẽ kích thích nguyên tử nitơ, phát ra ánh sáng đỏ.
Do các quầng sáng đỏ ELVE xuất hiện và biến mất trong chớp mắt nên không phải ai cũng có cơ hội quan sát hoặc chụp ảnh lại được hiện tượng đặc biệt và hiếm gặp này.
Theo LS/PetaPixel