Theo SCMP, công ty Tianbing Technology có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vừa phóng thành công tên lửa tên lửa Tianlong-2 (Thiên Long-2). Đây là tên lửa chứa nhiên liệu lỏng đầu tiên được phóng vào không gian bởi một công tư nhân của Trung Quốc.
Trang Devdiscference đánh giá Tianbing đã đạt được một cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp vũ trụ thương mại. Không giống như tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn với đặc tính không thể điều chỉnh dòng nhiên liệu, tên lửa đẩy nhiên liệu lỏng có khả năng kiểm soát tốt hơn các chuyến bay.
Đối với một số tên lửa như Falcon 9 của SpaceX, khả năng sử dụng nhiên liệu lỏng cho phép tên lửa có khả năng quay trở lại Trái Đất từ quỹ đạo trong điều kiện hạ cánh có kiểm soát, từ đó gia tăng khả năng tái sử dụng của tên lửa.
Nhờ vậy, thành công của Tianbing Technology được xem là cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp vũ trụ thương mại của Trung Quốc, cũng như làm nổi bật sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu.
Tại đó, các công ty tư nhân đang cho thấy họ hoàn toàn có thể trở thành một thế lực nhờ tích cực đầu tư vào lĩnh vực khám phá không gian, với những "ông lớn" tiêu biểu như SpaceX hay Blue Origin đang dẫn đầu tại Mỹ.
Trên thực tế, những công ty vũ trụ thương mại của Trung Quốc đã liên tục cho thấy tiềm năng bắt kịp các cường quốc trong ngành hàng không - vũ trụ, bao gồm Nga, Mỹ, châu Âu... từ khi nhảy vào lĩnh vực này năm 2014.
Trong khi các công ty khác bắt đầu chế tạo vệ tinh, thì Tianbing Technology tập trung chủ yếu vào phát triển tên lửa tái sử dụng. Đặc điểm của loại tên lửa này là có thể cắt giảm đáng kể chi phí của những lần phóng, từ đó giúp tăng số lượng các sứ mệnh có thể được thực hiện với cùng một số tiền bỏ ra.
Sự phát triển ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp vũ trụ cũng đã gây lo ngại cho một số chuyên gia, những người lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.
Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng chương trình không gian của họ hướng tới sự hòa bình, khi chỉ phục vụ cho mục đích khoa học.