Quý đầu năm 2023, theo quan sát của nhiều doanh nghiệp, sức mua giảm mạnh hơn dự kiến. Nếu như vào cuối năm ngoái, chỉ người có thu nhập trung bình trở xuống thắt chặt chi tiêu, thì đến nay người có tiền cũng bắt đầu “cân đong đo đếm” trong việc mua sắm hàng không thiết yếu, hàng giá trị cao. Chưa kể, nhóm khách hàng trả góp cũng giảm mạnh trước việc lãi suất tăng.
Điều này bắt đầu ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp ICT. Trong thông báo mới nhất, Thế giới Di động (MWG) tuyên bố sẽ phải đánh đổi lợi nhuận để giữ chân khách hàng. Dù vậy, “ông lớn” này cũng không thể giữ vững tốc độ tăng trưởng 2 chữ số như mọi khi.
Ngược lại, FPT Retail (FRT) vẫn đề mục tiêu tăng trưởng 13% về doanh thu, dự đạt đỉnh mới 34.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu được đưa ra trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt đến từ chuỗi FPTShop khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm ICT tiếp tục giảm mạnh và khó dự báo về thời gian hồi phục.
Dĩ nhiên, mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số là thách thức. Theo đó, FRT cho biết bên cạnh các mặt hàng truyền thống, Công ty cũng dần mở rộng danh mục sản phẩm theo mô hình shop-in-shop .
Tức, tận dụng lợi thế mặt bằng hiện có, năm 2023 FRT bắt đầu bán bổ sung hàng loạt ngành mới vào như bán mô tô, xe máy; bảo dưỡng và sửa chữa mô tô, xe máy; bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô tô, xe máy; bán lẻ xe đạp và phụ tùng trong các cửa hàng chuyên doanh; sửa chữa xe đạp, đồng hồ, đồ dùng cá nhân và gia đình khác chưa được phân vào đâu.
Năm 2021, Công ty đã thử nghiệm hình thức này (bán hàng gia dụng) và ghi nhận tín hiệu tích cực. Đến nay, số lượng cửa hàng FPT Shop bán hàng gia dụng đã đạt hơn 300 cửa hàng, dự kiến đến cuối năm 2023, con số này tăng lên 600 cửa hàng.
Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu, mà theo FRT còn từng bước hỗ trợ Công ty cải thiện lãi gộp. Hình thức này không mới, thực tế đã được MWG áp dụng nhiều năm về trước và đến nay mang về lượng doanh thu ổn định.
Riêng FRT, việc mở rộng danh mục trên số cửa hàng hiện hữu cũng có thể xem là những thử nghiệm mới của Công ty. Từng nhớ, lãnh đạo là bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết rút kinh nghiệm trong quá khứ khi mảng ICT đi vào bão hoà thì FRT không có mảng mới và suy giảm mạnh (giai đoạn 2018-2020), Công ty hàng năm đều thử nghiệm các mảng mới song song đẩy mạnh Long Châu. Trong đó, những phép thử của FRT có thể điểm qua như bán hàng xuyên biên giới Fado, bắt tay với Nguyễn Kim bán hàng điện máy, đồ gia dụng….
Riêng về mảng dược, Long Châu sau 5 năm đã đạt được thành công nhất định: số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam, có lãi hơn 53 tỷ đồng trong năm 2022. Năm 2023, công ty dự kiến mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc, nâng tổng số nhà thuốc tại thời điểm cuối năm 2023 lên 1.400 - 1.500 nhà thuốc.
Với tầm nhìn dài hạn trên, FRT cũng đầu tư xây dựng kho bãi. Năm 2023, Công ty cho biết sẽ triển khai xây dựng kho tổng thứ 2 tại Long An sau khi hoàn tất xây dựng kho tổng thứ nhất tại Mê Linh (Hà Nội), tập trung tối ưu hóa dòng tiền, đảm bảo thanh khoản cho toàn Công ty cũng như đáp ứng nguồn vốn cho việc mở rộng chuỗi Long Châu.
Lấy link