Sau 6 tháng thực hiện sứ mệnh, tàu Soyuz MS-22 của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã quay trở về Trái Đất an toàn lúc 18:46 ngày 28/3 (theo giờ Việt Nam) tại một thảo nguyên gần thành phố Dzhezkazgan, Kazakhstan.
Tại thời điểm hạ cánh, tàu Soyuz MS-22 không có phi hành đoàn, cũng gần như không có chất làm mát - một xúc tác quan trọng để hỗ trợ bảo vệ sự sống, cũng như máy móc trên tàu hoạt động trơn tru.
Bên trong khoang chứa của tàu có khoảng 218 kg hàng hóa, gồm kết quả thí nghiệm khoa học và thiết bị trên trạm ISS để phân tích hoặc tái sử dụng.
"Quá trình tàu Soyuz MS-22 rời quỹ đạo và hạ cánh xuống Trái Đất diễn ra suôn sẻ", các quan chức của Roscosmos cho biết trong một bài đăng trên Telegram.
Người phát ngôn của NASA, ông Rob Navias, cho biết tàu Soyuz MS-22 rời quỹ đạo chỉ 55 phút sau khi tháo dỡ, sớm hơn nhiều so với khoảng thời gian quy chuẩn là 2,5 giờ. Điều này nằm trong phạm vi cho phép, do tàu không mang theo phi hành đoàn.
Tháng 9/2022, Roscosmos đã phóng tàu vũ trụ Soyuz MS-22 để đưa 3 nhà du hành vũ trụ Sergey Prokopyev, Dmitri Petelin (Nga) và Frank Rubio (Mỹ) lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS trong một sứ mệnh kéo dài 6 tháng.
Thế nhưng vào tháng 12, khi mới thực hiện được nửa chặng đường, tàu Soyuz gặp sự cố rò rỉ không xác định, khiến chất làm mát trên tàu bị thoát ra ngoài không gian.
Các nhận định ban đầu cho rằng có thể tàu đã va chạm với một số thiên thạch nhỏ. Do sự cố này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn khi tàu quay trở lại Trái Đất, nên Soyuz MS-22 chắc chắn sẽ không chở theo phi hành đoàn trong hành trình quay trở về.
Trước sự cố không mong muốn này, Nga lập tức lên kế hoạch điều tra nguyên nhân và tìm cách khắc phục sự cố. Ngày 23/2, Roscosmos phóng khoang phi hành đoàn Soyuz MS-23 cập bến ISS để làm phương tiện thay thế cho con tàu bị rò rỉ.
Những phi hành gia góp mặt trong sứ mệnh nhiều khả năng sẽ quay trở lại Trái Đất vào cuối năm nay trên con tàu mới, sau khi dành trọn 1 năm để làm việc trong không gian.
Trong khi đó, tàu Soyuz MS-22 được đưa về Trái Đất sớm hơn để thực hiện những thí nghiệm khoa học chuyên sâu, nhằm tìm hiểu rõ về nguyên nhân gây ra rò rỉ, cũng như đưa ra hướng khắc phục cho những tình huống tương tự trong tương lai.