Người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, ông Vương Chí Cương, cho biết Trung Quốc còn “một số việc phải làm” để bắt kịp sản phẩm trí tuệ nhân tạo đình đám ChatGPT do công ty khởi nghiệp OpenAI có trụ sở tại Mỹ phát triển. Tuyên bố đưa ra tại cuộc họp đầu tiên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, một sự kiện được diễn ra hàng năm vào Chủ nhật tuần trước.
Theo ông Vương, ChatGPT có lợi thế trong việc cung cấp kết quả theo thời gian thực, và đây là điều “rất khó đạt được”. Trong những năm qua, Trung Quốc đã thực hiện rất nhiều kế hoạch và đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên cũng như hiểu ngôn ngữ tự nhiên, thậm chí đã đạt được một số thành tựu. Nhưng để Trung Quốc có thể đạt được loại kết quả mà OpenAI đã có, thì nước này còn cần phải “chờ xem”, ông Vương nói.
Vị Bộ trường này cũng nêu lên vấn đề về đạo đức AI, nói rằng các công ty trong nước cần lưu tâm đến những lo ngại như vậy. Bởi các mô hình ngôn ngữ lớn tạo ra các con bot tinh vi như ChatGPT có thể dẫn đến các thông tin phản hồi không thể đoán trước và thường không chính xác.
Sự phổ biến bùng nổ của ChatGPT kể từ khi nó được ra mắt vào tháng 11 năm ngoái đã đẩy lĩnh vực AI trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu. Trung Quốc cũng không ngoại lệ khi quốc gia này đã đầu tư vào lĩnh vực này rất nhiều trong các năm gần đây.
Thậm chí, chatbot đã được chọn là chủ đề thảo luận tại kỳ họp lưỡng hội năm nay. Đây là cuộc họp chính trị thường niên lớn nhất của Trung Quốc, nơi thường công bố các kế hoạch về chính sách quốc gia cho năm tới.
Đáp lại tuyên bố này, Zhou Hongyi, người sáng lập và chủ tịch của công ty 360 Security Technology, đã đưa ra một đề xuất để Trung Quốc có thể tự “nuôi dưỡng” ra một công nghệ giống như ChatGPT của riêng mình. Trong khi đó, Zhou Yuan, người sáng lập và CEO của nền tảng hỏi đáp Zhihu, cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng nên hạn chế quyền truy cập của trẻ vị thành niên vào các hệ thống AI như vậy.
Hiện tại, nhiều công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã hứa sẽ phát triển các sản phẩm tương tự và có thể thay thế cho ChatGPT. Dẫu vậy, chưa có sản phẩm nào ra mắt chính thức mà chỉ đang được thử nghiệm thông qua các ứng dụng và dịch vụ của bên thứ ba.
Đáng chú ý nhất, gã khổng lồ công cụ tìm kiếm trên internet của Trung Quốc là Baidu đã thông báo vào tháng trước rằng họ sẽ tiết lộ đối thủ cho ChatGPT của mình là Ernie Bot ngay trong tháng này.
Còn người đồng sáng lập nền tảng Meituan, Wang Huiwen, đã cam kết đầu tư 50 triệu USD vào một dự án “giống như ChatGPT” với mức định giá 200 triệu USD. Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng cho biết viện nghiên cứu Damo Academy của họ đang phát triển một công cụ tương tự.
Tuy nhiên, khó khăn và thử thách của các tập đoàn lớn này sẽ không hề đơn giản. Ngoài việc vượt qua các thách thức về kiểm duyệt nội dung, các công ty này sẽ cần một lượng lớn sức mạnh tính toán vào thời điểm mà việc mua sắm chúng đang trở nên khó khăn hơn. Các hạn chế của Mỹ đối với việc xuất khẩu các dòng GPU siêu mạnh của Nvidia sang Trung Quốc có thể làm chậm các mục tiêu phát triển AI của quốc gia này.
Vào năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã soạn thảo một bộ hướng dẫn về đạo đức đầu tiên trong lĩnh vực quản lý AI. Một trong số các yêu cầu và hướng dẫn của nó đã nêu rõ rằng con người phải có toàn quyền quyết định đối với AI, cũng như có quyền lựa chọn để thoát khỏi tương tác với hệ thống AI hoặc ngừng hoạt động nó bất cứ lúc nào.
Tham khảo SCMP
Lấy link