Mất bao nhiêu thời gian để ánh sáng truyền từ mặt trời đến trái đất?
Ánh sáng di chuyển với vận tốc 300.000km/s trong không gian. Khoảng cách từ mặt trời đến trái đất khoảng 146,9 triệu km, như vậy mất khoảng 8 phút 9 giây để ánh sáng mặt trời truyền đến trái đất. Khoảng thời gian này vẫn là quá ít nếu so với thời gian 5 tiếng rưỡi để ánh sáng mặt trời truyền đến sao Diêm Vương.
20% lượng oxy trên Trái đất được tạo ra bởi rừng nhiệt đới Amazon
Bầu khí quyển của chúng ta được tạo thành bởi khoảng 78% khí nitơ, 21% khí oxy và nhiều loại khí có hàm lượng nhỏ khác. Phần lớn các sinh vật sống trên Trái đất đều cần oxy để tồn tại, sau đó chuyển hóa thành khí CO2 khi chúng thở. May mắn thay chúng ta được bổ sung oxy liên tục nhờ quá trình quang hợp của thực vật.
Trong quá trình này, CO2 và nước được chuyển hóa thành năng lượng, giải phóng oxy như một phụ phẩm. Rừng nhiệt đới Amazon rộng 5,5 triệu kilomet vuông, cung cấp một lượng đáng kể oxy cho Trái đất đồng thời cũng hấp thụ một lượng lớn CO2. Không quá khi cho rằng rừng nhiệt đới Amazon chính là "lá phổi xanh" của trái đất.
Trẻ sơ sinh có nhiều hơn người lớn khoảng 100 cái xương
Trẻ sơ sinh có khoảng 300 chiếc xương khi mới chào đời cùng với nhiều sụn kèm theo. Sự linh hoạt đặc biệt này giúp chúng có thể chui qua cổ tử cung và cho phép trẻ phát triển nhanh chóng. Qua thời gian, nhiều xương hợp nhất lại, chỉ còn lại 206 xương tạo nên một bộ xương tiêu chuẩn như người trưởng thành.
Quần đảo Hawaii đang ngày càng dịch chuyển đến gần Alaska hơn
Vỏ trái đất bị chia cắt thành những mảnh khổng lồ được gọi là các mảng kiến tạo. Các mảng này chuyển động liên tục, được đẩy bởi dòng điện trong lớp vỏ trái đất.
Nham thạch nóng và ít đặc hơn nổi lên trên trước khi nguội đi và chìm xuống, tạo ra các dòng đối lưu vòng tròn hoạt động như những băng chuyền khổng lồ, từ từ dịch chuyển các mảng kiến tạo phía trên chúng.
Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương đang trôi chậm dần về phía tây bắc của Bắc Mỹ, đến gần Alaska. Trung bình mỗi năm, quần đảo Hawaii đang dịch chuyển về phía Alaska 7,5cm. Tốc độ di chuyển của các mảng kiến tạo có thể so sánh với tốc độ mọc của móng tay con người.
Tháp Eiffel có thể cao thêm 10cm vào mùa hè
Khi vật chất nóng lên, các phân tử của nó chuyển động nhiều hơn và chiếm một phần thể tích lớn hơn - đó là sự giãn nở vì nhiệt. Ngược lại khi nhiệt độ giảm xuống nó sẽ co lại.
Ví dụ như mức thủy ngân bên trong nhiệt kế tăng và giảm khi thể tích thủy ngân thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Hiệu ứng này xảy ra mạnh nhất ở chất khí nhưng cũng gặp ở chất lỏng và chất rắn như sắt. Vì vậy các công trình lớn như cầu hay các thanh ray đường sắt… được xây dựng với các khe co giãn, giúp chúng co giãn khi nhiệt độ thay đổi mà không gây hư hại.
Đây cũng là nguyên do khiến tháp Eiffel sẽ tăng thêm chiều cao khoảng 10cm trong suốt mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao.
Loài động vật có xương sống nhỏ nhất thế giới là loài nào?
Loài ếch Paedophryne amanuensis là loài động vật có xương sống nhỏ nhất được biết đến hiện nay. Trong suốt một thời gian dài, loài ếch này được cho là một truyền thuyết của người dân địa phương thuộc Papua New Guinea, vì đơn giản các nhà khoa học không thể tìm thấy bất kỳ tiêu bản nào của chúng.
Ếch Paedophryne amanuensis chỉ dài 7,7mm, giúp nó có thể dễ dàng ngồi gọn trên móng tay người. Do tỷ lệ bề mặt da trên khối lượng cao nên những con ếch này rất dễ bị mất nước, chúng thích ở trong những tán lá ẩm trên các tầng rừng nhiệt đới. Paedophryne amanuensis là những vận động viên tuyệt vời, chúng có khả năng nhảy cao gấp 30 lần chiều dài cơ thể. Chúng ăn các động vật không xương sống nhỏ như côn trùng và sâu bọ.
Hình dạng thực sự của cầu vồng sẽ như thế nào?
Cầu vồng không phải là một vật thể, mà chỉ là một hiện tượng quang học, do vậy chúng ta chỉ có thể quan sát thấy cầu vồng chứ không thể tiếp cận hoặc chạm vào nó. Hai người bất kỳ không thể nhìn thấy cùng một cầu vồng. Trên thực tế, ngay cả từng con mắt của một người cũng sẽ nhìn thấy cầu vồng hơi khác nhau. Nếu hai người cùng đứng ở một vị trí để quan sát cầu vồng, họ có thể sẽ nhìn thấy hai cầu vồng khác nhau do sự khác biệt về góc nhìn.
Cầu vồng có thể được nhìn thấy không chỉ trong mưa mà còn trong sương, bụi nước, sương mù… hoặc bất cứ khi nào có giọt nước trong không khí và ánh sáng chiếu đến từ phía sau chúng ở một góc thích hợp.
Đáng chú ý, cầu vồng không phải có hình dạng vòng tròn khuyết, mà thực chất cầu vồng là một vòng tròn ánh sáng đầy đủ. Tuy nhiên, do hầu hết mọi người đều nhìn cầu vồng từ mặt đất nên chúng ta chỉ thấy một nửa vòng tròn hoặc vòng cung của cầu vồng. Nếu quan sát cầu vồng từ trên máy bay hoặc từ những tòa nhà cao tầng, chúng ta có thể quan sát thấy một "cầu vồng đầy đủ" hình tròn.