Theo Space, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022 tính đến nay đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, cùng thiệt hại hàng tỷ USD về cơ sở hạ tầng.
Cuộc xung đột cũng bao gồm những tác động ít tức thì, nhưng đáng kể hơn đối với các lĩnh vực khác, bao gồm ngành công nghiệp vũ trụ của cả Ukraine và Nga. Đó là hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học vũ trụ.
Được biết, sau khi xảy ra xung đột vũ trang vào ngày 24/2/2022 dẫn đến phản ứng dữ dội của quốc tế chống lại Nga, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) lúc bấy giờ là Dmitry Rogozin đã đe dọa chấm dứt hợp tác với phương Tây trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) như một lời đáp trả các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga.
Ông cũng đưa ra lời đe dọa đối với người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của SpaceX, Elon Musk, do vai trò của công ty trong việc cung cấp kết nối thông qua các vệ tinh Starlink.
Rogozin sau đó đã bị loại khỏi vị trí người đứng đầu Roscosmos và được thay thế bởi Yuri Borisov. Điều này đã chứng kiến mối quan hệ giữa NASA và Nga dần ổn định trở lại. Dẫu vậy, khả năng tham gia vào các dự án không gian quốc tế của Nga vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Brian Weeden, Giám đốc Kế hoạch Chương trình của Secure World Foundation cho biết: "Tác động lớn nhất có thể xảy ra là đối với các sứ mệnh du hành vũ trụ tiếp theo của nhân loại sau khi hợp tác ISS kết thúc".
Mathieu Bataille, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Không gian Châu Âu (ESPI), cho biết: "Việc bắt đầu chiến tranh ở Ukraine đã ảnh hưởng đến cơ hội phóng vệ tinh của các hợp tác không gian quốc tế. Trong đó, khu vực Châu Âu đặc biệt chịu ảnh hưởng".
Ông Bataille nêu dẫn chứng khi nhiều buổi phóng vệ tinh tổ chức bởi các nước châu Âu và ESA đã bị hủy bỏ vào năm 2022 do các lệnh trừng phạt. Điển hình trong đó là sứ mệnh ExoMars đánh dấu cho sự hợp tác giữa Nga và ESA mang theo tàu tự hành Rosalind Franklin vốn được lên kế hoạch vào mùa thu năm 2022, nhưng đã bị trì hoãn cho tới ít nhất năm 2028.
Ngoài ra, ông Bataille lưu ý rằng cuộc chiến của Nga cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến khả năng thực hiện các nhiệm vụ cho các khách hàng thương mại.
"Nga chỉ phóng 46 vệ tinh kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Để so sánh, vào năm 2021, 339 vệ tinh đã được phóng từ Nga, bao gồm 302 vệ tinh dành cho khách hàng thương mại, trong đó hầu hết là cho OneWeb", ông Bataille cho biết.
Điều đáng lo ngại là Nga dường như không quan tâm tới những ảnh hưởng này. Giới chức tại "Xứ sở bạch dương" thậm chí xem xét xây dựng trạm vũ trụ độc lập của riêng mình để hoạt động sau khi rút khỏi ISS.
Điều này chứng minh Nga sẵn sàng thách thức trong khi đối mặt với áp lực ngân sách và sự cô lập trong lĩnh vực hàng không - vũ trụ.
"Rất khó có khả năng để Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Canada sẽ hợp tác với Nga một lần nữa hoặc ít nhất là trong một thời gian", ông Brian Weeden nhận định. "Người Nga cũng không tham gia vào các chương trình vũ trụ quan trọng như Artemis hay Gateway."