Không chỉ những người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn môi trường, ngay cả các nhà thiên văn cũng đang nỗ lực tìm kiếm phương thức mới nhằm giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu, một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại.
Điều bất ngờ đó là chúng ta có thể tận dụng ngay cả một số tác nhân tưởng như vô cùng nhỏ bé, là các hạt bụi. Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đề xuất khai thác bụi từ bề mặt của Mặt Trăng, rồi sau đó thổi chúng vào khoảng không gian nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời.
Cách làm này sẽ tạo ra những "đám mây mới", có tác dụng che phủ hành tinh của chúng ta trong một khoảng thời gian ngắn trước khi những cơn gió Mặt Trời kịp ảnh hưởng, và phá hủy chúng dựa vào áp suất của bức xạ.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong vòng 1 năm, những tấm chắn bụi như vậy có thể làm giảm khoảng 1,8% ánh sáng mặt trời chiếu vào Trái Đất. Đây là mức độ quan trọng trong việc làm chậm quá trình tăng nhiệt độ của hành tinh chúng ta.
Tuy nhiên, để tạo ra một tấm chắn như vậy sẽ cần ít nhất 10 tỷ kg bụi mỗi năm. Đây là khối lượng gấp khoảng 100 lần so với những gì mà con người đã gửi vào vũ trụ cho đến nay.
Tại sao lại là Mặt Trăng mà không sử dụng bụi trên Trái Đất để làm điều tương tự? Lý do rất đơn giản, đó là chi phí.
Các nhà nghiên cứu lập luận rằng giải pháp này sẽ đơn giản hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn so với việc sử dụng bụi trên Trái Đất. Cụ thể, việc phóng tên lửa từ Mặt Trăng sẽ cần ít năng lượng hơn, do lực hấp dẫn của mặt trăng chỉ mạnh bằng 1/6 so với hành tinh của chúng ta.
Tuy nhiên, để đưa phương pháp này từ lý thuyết vào thực tế là cả một chặng đường dài. Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu của họ chỉ nhằm đánh giá tác động tiềm năng của phương pháp này, vì nó có thể là một lựa chọn để giải quyết tạm thời vấn đề biến đổi khí hậu nếu chúng ta cần thêm thời gian để ứng phó.
Do vậy, những thách thức về mặt hậu cần, pháp lý và công nghệ khi thực hiện một nỗ lực như vậy không được đề cập trong nghiên cứu.