Charles Byrne đang nằm trên giường bệnh vào một ngày tháng 6 năm 1783, không cha mẹ, không người thân, và không còn nổi một đồng bạc. Bao quanh anh chỉ là những người bạn diễn trong gánh xiếc tạp kỹ.
Một người lùn tiến lại phía đầu giường. Anh ấy phải kiễng chân lên mới nghe được tâm nguyện cuối cùng từ Byrne: "Các cậu nhớ phải chôn xác tôi xuống đáy biển, để tôi không còn bị đem ra làm trò mua vui cho bất kỳ ai nữa".
Khi người khổng lồ Ireland cao 2 mét 3 dứt lời thều thào trong cơn hấp hối, những người còn lại trong phòng - một phụ nữ có râu, anh chàng nuốt kiếm và ông lão thổi lửa - họ đánh mắt nhìn nhau, cúi đầu - biết rằng không một ai có thể giúp.
Toàn bộ thanh xuân cuộc đời mình Byrne đã để dành cho gánh xiếc. Sở hữu thân hình to lớn, chậm chạp vì quá khổ, chàng trai đến từ miền quê Ireland chỉ biết kiếm sống bằng cách trưng bày bản thân mình, mua vui cho những thị dân Anh như một con quái vật của tạo hóa.
Từ những lối mòn sình lầy phía bắc Vương Quốc đến những con đường lát gạch ở London, người ta sẽ bắt gặp Byrne khổng lồ cúi chào người già, tặng bóng bay cho trẻ nhỏ và đáp lại mọi ánh mắt tò mò đang nhìn mình bằng nụ cười thân thiện.
Duy chỉ có một ánh mắt khiến Byrne cảm thấy chán ghét. Đó là cái nhìn hau háu từ giới quý tộc thích sưu tầm.
Họ thèm khát cơ thể của Byrne như thèm khát một mẫu vật - một mẫu vật chắc chắn sẽ tôn vinh cái tầng hầm bên dưới phòng khách. Đến nỗi, một kẻ đã tới tận bên giường bệnh khom mình và nói: "Byrne, tôi muốn mua lại cái xác của anh sau khi anh chết. Chỉ cần cho tôi con số và một địa chỉ mà tiền của tôi có thể gửi đến".
Khi lời đề nghị bị khước từ, kẻ sưu tập đứng thẳng dậy, đá cánh cửa như muốn trút giận. Hắn chỉnh lại áo gile, không quên ném lại một ánh mắt khinh bỉ trước khi đứng lẫn vào đám đông đang vây lấy căn hộ số 21 trên phố Cockspur.
Tờ báo địa phương năm đó mô tả chúng, những kẻ sưu tập như đám đồ tể chuẩn bị ném lao vào con thú to lớn đã rệu rã vì mệt mỏi. Những gã quý tộc này không ngại để lộ tham vọng, tìm mọi cách để có được thi thể của Byrne, kể cả là cướp lấy.
Charles Byrne tên thật là Charles O'Brien, sinh ra vào năm 1761 tại Littlebridge, một ngôi làng phía Bắc Ireland. Các ghi chép về gia đình của Byrne rất ít. Người ta chỉ biết bố anh là người Scotland còn mẹ anh là một thợ dệt vải. Cả hai đều khỏe mạnh, có thân hình bình thường và không đến nỗi quá khổ.
Tương truyền rằng Byrne đã được thụ thai trên một đống cỏ khô linh thiêng. Dân làng tin rằng điều đó khiến anh phải chịu lời nguyền trở thành người khổng lồ. Thời đó, người ta chưa biết căn bệnh thực ra xuất phát từ một khối u trong não.
Những người mắc hội chứng khổng lồ thường có khối u ảnh hưởng tới tuyến yên– một tuyến nội tiết nhỏ nằm ở phần nền sọ. Đối với Byrne, khối u khiến anh sản sinh quá nhiều hormone tăng trưởng GH.
Ở điều kiện bình thường, GH sẽ được tiết ra theo đợt từ 4-11 lần mỗi ngày. Nó kích thích quá trình phân bào xảy ra trong sụn và xương. Hormone GH chính là thứ giúp chúng ta cao lên và phát triển thể chất vượt trội trong độ tuổi dậy thì.
Tuy nhiên, quá nhiều GH sẽ gây ra vấn đề.
Byrne về cơ bản là không thể kìm hãm quá trình lớn lên của anh ấy. Khi các sụn tiếp giáp ở đầu xương vẫn còn mở, GH liên tục thổi xương của Byrne dài ra. Kết quả là ngay trong tuổi thiếu niên, anh ấy đã đạt tới chiều cao hơn 2 mét.
Khi các sụn tiếp hợp đóng lại, GH lại thổi to cơ thể Byrne theo chiều ngang. Trán anh ấy vồ ra, cằm nhô, hàm giãn, khiến khoảng cách giữa các răng nới rộng. Nếu khối u tiếp tục chèn ép tuyến yên, Byrne có thể cảm thấy đau đầu, tăng tiết mồ hôi và giảm thị lực.
Trở thành người khổng lồ vì vậy là một lời nguyền hơn là phép màu. Nó khiến cơ bắp bệnh nhân bị yếu , biến dạng xương khớp và đặc biệt là suy giảm tuổi thọ vì béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường - những chứng rối loạn chuyển hóa.
Mặc dù vậy, tất cả những người khổng lồ như Byrne đều tìm thấy trong những năm tháng thiếu niên của mình một vùng cửa sổ kỳ diệu, nơi thể chất vượt trội sẽ đem đến cho họ nhiều cơ hội hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Byrne nắm lấy cơ hội đổi đời cho mình trong một chuyến trốn nhà tới Scotland. Ở đó, anh đã có dịp dọa chết khiếp những người gác đêm ở thủ đô Edinburgh, khi họ thấy một người khổng lồ đứng trên cầu North Bridge, ghé tẩu thuốc vào đèn đường, đốt nó mà không cần kiễng chân.
Sự xuất hiện của một gã khổng lồ lang thang trong thành phố đã thu hút sự chú ý của cả Edinburgh, trong đó, có ông chủ một gánh xiếc tên là Joe Vance.
Đó là thế kỷ 18, những gánh xiếc được gọi là "show kì dị" đang trở nên phổ biến ở Vương Quốc Anh. Người ta sẽ tập hợp hàng tá những con người có thể chất bất thường lại cùng với nhau để trình diễn.
Sẽ có những người lùn, người cụt cả tứ chi hoặc dị tật đầu nhỏ. Bên cạnh đó là những phụ nữ có râu, những cặp song sinh dính liền, thậm chí, người có hai bộ phận sinh dục. Tất cả họ được đem ra trưng bày như những "con quái vật của tạo hóa".
"Show kì dị" hấp dẫn từ tầng lớp bình dân cho tới giới quý tộc. Gánh xiếc nào khi đó càng sở hữu những người khác thường thì sẽ càng được săn đón. Một số dị nhân nổi tiếng thậm chí còn có cơ hội được triệu vào cung biểu diễn cho hoàng tộc.
Với chiều cao 2 mét 31, Byrne bây giờ đã nổi bật lên khỏi đám đông như một người khổng lồ tiêu biểu. Ông chủ gánh xiếc ở Edinburgh nhận ra, nếu cho anh ta đứng cạnh người khổng lồ cũ của mình, Byrne sẽ cao hơn hẳn một cái đầu.
Thế là ngay lập tức, Byrne được chiêu mộ. Giữa lúc chàng thanh niên đến từ miền quê Ireland đang không biết mình có thể tìm được việc gì khác để làm ở phố thị - anh gật đầu đồng ý.
Tham gia vào gánh xiếc Edinburgh, tên tuổi của Byrne dần dần được nhiều người biết tới. Anh cùng những đồng nghiệp của mình đã đi lưu diễn khắp Vương Quốc Anh, trước khi dừng chân tại London vào đầu năm 1782.
Thời điểm này, Byrne đã nổi tiếng tới độ quảng cáo của anh có thể chiếm lĩnh các mặt báo:
Những buổi biểu diễn cháy vé, Byrne lúc nào cũng chiếm lĩnh những rạp hát và chương trình trên mọi tuyến phố trung tâm London, từ Cửa Spring Garden, phố Piccadilly đến Ngã sáu Charing. Sự xuất hiện của người khổng lồ Ireland là bảo chứng cho bất kỳ buổi biểu diễn nào mà khách tham quan phải trả tiền để bước vào.
Báo chí và người dân địa phương đều quý mến anh ấy, một người khổng lồ được miêu tả "hiền lành, dễ mến và truyền cảm hứng cho công chúng". Một nhà soạn kịch thậm chí còn viết riêng một vở dành cho Byrne, Harlequin Teague (hay Con đường của người khổng lồ).
Nhưng cũng bắt đầu từ lúc này, Byrne đã thu hút sự chú ý của những nhà giải phẫu và sưu tầm ở London, trong đó có John Hunter, người có cả một tầng hầm trưng bày những hiện vật sinh học kỳ dị.
Đó là nơi mà Hunter lưu trữ hơn 14.000 tiêu bản của 500 loài động thực vật khác nhau. Ông cũng sưu tầm cả hài cốt người, những con người kỳ dị. Mục đích của Hunter là biến bộ sưu tập của mình thành một bảo tàng sinh học độc đáo nhất hành tinh.
Với tham vọng của mình, ông ấy thèm khát Byrne như một hiện vật sống. Hunter không che giấu ý định sẽ mua lại thi thể của Byrne sau khi anh chết, thậm chí đã đến gặp và ra giá cho anh ấy: 130 Bảng Anh.
Không phải con số rẻ mạt mà ý nghĩ rằng sau khi anh chết, người ta sẽ dóc thịt anh, chỉ để lại bộ xương và đưa vào lồng kính đã khiến Byrne cực sợ hãi. Anh ấy bắt đầu bị ám ảnh bởi ánh mắt mà Hunter và giới sưu tầm nhìn vào mình.
Năm 1783, sức khỏe của Byrne suy yếu. Đó là kết quả của hội chứng người khổng lồ, kết hợp với một đợt trầm cảm. Dame Hilary Mantel, nữ nhà văn đã viết cuốn tiểu thuyết về cuộc đời của Byrne chia sẻ: "Mặc dù nổi tiếng và đứng trên đỉnh cao danh vọng, tôi biết anh ấy là một linh hồn đau khổ".
Byrne có lẽ đã dằn vặt về ý nghĩa cuộc đời mình. Mặc dù sự nổi tiếng đem đến cơ hội cho anh gặp gỡ và giao lưu với nhiều người giàu, thuộc tầng lớp quý tộc bao gồm cả Vua George III, Byrne vẫn mặc cảm mình chỉ là một "quý ông" được dựng lên bởi gánh xiếc kì dị.
Đối với Hunter thì anh chỉ là một con quá vật bị săn đuổi. Ý nghĩ ấy ám ảnh Byrne ngay cả trong giấc ngủ. Những cơn đau vì bệnh khổng lồ châm thêm một ngòi lửa khiến anh tìm đến rượu.
Tinh thần chán nản và bệnh tật khiến những show diễn của Byrne thưa dần. Người London không còn tới những con phố sầm uất để có thể chiêm ngưỡng anh, thay vào đó, ai muốn thì hãy tới quán rượu Black Horse. Byrne lúc nào cũng ở đó, trong tình trạng say xỉn.
Giọt nước tràn ly đến vào một ngày cũng tại quán Black Horse, một tên chuột nhắt nào đó đã lợi dụng lúc Người khổng lồ Ireland đang say để trộm mất hai tờ séc trong túi áo anh. Hai tờ séc chứa đựng toàn bộ tài sản mà Byrne tích cóp được trong những tháng ngày lưu diễn.
Con số là 770 Bảng tương đương với 160.000 Bảng Anh bây giờ - bằng số tiền mà nhiều người cùng thời Byrne sẽ phải mất cả đời để kiếm được.
Mất hết tất cả, Byrne ốm càng nặng. Mọi thứ dẫn chúng ta quay trở lại khung cảnh ban đầu, khi anh đang hấp hối trong căn hộ trên phố Cockspur. Phía bên ngoài, Hunter và hàng tá nhà sưu tầm xác đang trực chờ sẵn.
Một tờ báo địa phương mô tả lại khung cảnh ấy:
"Bộ tộc những bác sĩ phẫu thuật này đưa ra yêu sách cho Người khổng lồ Ireland tội nghiệp vừa ra đi. Họ bao vây lấy ngôi nhà của anh như những ngư dân Greenland chuẩn bị ném lao vào con cá voi vĩ đại.
Một trong số họ quá đáng đến mức trốn vào trong quan tài của anh ta, để luôn sẵn sàng ra tay [trộm lấy cái xác] vào khoảnh khắc phù thủy hoành hành trong đêm, khi những người quản trang ở nhà thờ đã ngái ngủ".
John Hunter là một bác sĩ phẫu thuật người Scotland, một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất thế kỷ 18. Ông là thầy của Edward Jenner, người tiên phong phát minh ra vắc-xin đậu mùa. Bản thân Hunter đã thực hiện ca thụ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử thế giới vào năm 1790.
Với các công trình của mình, Hunter đã đóng góp cho y khoa thế giới nhiều hiểu biết về sự phát triển, tái tạo xương, quá trình viêm nhiễm, cách điều trị vết thương do đạn bắn, bệnh hoa liễu, tiêu hóa, hoạt động của tuyến sữa, sự phát triển của trẻ, sự phân biệt nguồn cung cấp máu của mẹ và thai nhi, vai trò của hệ bạch huyết...
Nhưng nếu có gì để phê phán về cuộc đời của John Hunter thì đó chính là những gì mà ông ấy làm với Charles Byrne.
Bản thân cuộc đối đầu này đã là một so sánh hết sức khập khiễng. Một người đàn ông nhỏ thó bên cạnh người khổng lồ, một bác sĩ phẫu thuật lỗi lạc bậc nhất với một diễn viên trong gánh xiếc tạp kỹ, một quý tộc giàu có thông minh với một người hấp hối đã mất hết tất cả.
Khi Hunter muốn trộm xác của Byrne, dường như không một thế lực nào có thể ngăn cản ông ấy.
***
Trở lại đám tang của Byrne. Để hiện thực hóa ước nguyện của anh, những người bạn đã mở một buổi quyên góp trên phố để có đủ tiền mua một chiếc quan tài bằng chì. Họ dự định sẽ niêm phong xác của Byrne trong đó, chở anh tới thị trấn ven biển Margate, trước khi thuê một con tàu để thả chiếc quan tài xuống một địa điểm ngoài khơi xa không ai biết.
Nhưng Hunter, bằng cách nào đã biết được kế hoạch. Ông thuê một kẻ trộm mộ với giá 500 Bảng Anh. Tên này đã lập một nhóm bí mật bám theo đoàn đưa tang. Khi họ dừng nghỉ qua đêm ở một quán rượu trên đường tới Margate, những tên trộm đã lợi dụng cơn say của nhóm người để đánh tráo thi thể của Byrne với những vật nặng bằng đá.
Người khổng lồ Ireland được mang trở lại London, nơi Hunter giấu thi thể của anh dưới tầng hầm nhà mình. Hunter đã dành ra nhiều ngày để mổ xẻ Byrne, dóc thịt anh ấy và luộc trắng từng khúc xương. Sau đó, ông dựng bộ xương lên trong tư thế đứng thẳng bằng các khớp nối và để vào tủ kính, tự mình ngắm nhìn nó trong suốt 5 năm mà không để lộ cho công chúng.
Các tài liệu nói rằng Hunter cũng sợ bị mọi người chỉ trích. Thậm chí, ông sợ nếu người khác biết đến sự tồn tại của nó, bộ xương quý giá của ông sẽ lại bị ăn trộm.
Nhưng chẳng may, trong một lần Hunter đặt một họa sĩ tên là Sir Joshua Reynolds vẽ tranh chân dung, Reynolds đã vẽ vào đó cả những khúc xương bàn chân to lớn phía sau ông ấy, không biết đó là một phần thi thể Người khổng lồ Ireland nổi tiếng trên phố Piccadilly năm nào.
Khi nhiều người bắt đầu biết đến sự tồn tại của bộ xương Byrne, Hunter cảm thấy có gì đó không đúng. Điều mà trước đây ông cho là tội lỗi khủng khiếp đã bị trí tò mò của công chúng và danh tiếng bản thân ông lấn át.
Không ai chỉ trích Hunter vì đã trộm lấy xác của Byrne, suy cho cùng, Người khổng lồ Ireland có thể được thay thế bằng một người khổng lồ Ireland khác. Trên hòn đảo này không thiếu những người tăng tiết hormone GH và có thể trở thành người khổng lồ.
Cảm thấy an toàn, năm 1788, Hunter chính thức mở cửa bộ sưu tập của mình cho công chúng chiêm ngưỡng. Trong đó, bộ xương của Byrne lúc nào cũng được đặt tại vị trí nổi bật nhất. Hunter lúc này rất hãnh diện về mẫu vật quý giá nhất của mình.
Thế là, một lần nữa, Người khổng lồ Ireland được hồi sinh. Trong hình hài một bộ xương trắng, Byrne tiếp tục phục vụ hàng triệu lượt khách tới bảo tàng Hunter, những người muốn biết đâu là giới hạn và kỳ quan của tạo hóa.
Chỉ có điều, Người khổng lồ Ireland bây giờ trông không còn thân thiện. Anh không còn có thể cúi chào Nữ hoàng, không thể tặng bóng bay cho trẻ em và không thể nhìn thấy bất kỳ ai được nữa.
***
Năm 1793, John Hunter chết ở tuổi 65 vì một cơn đau tim. Toàn bộ bộ sưu tập của anh ấy được chính phủ mua lại. Họ giao khối tài sản cho Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh, với nhiệm vụ biến nó thành một bảo tàng giải phẫu học mang tên Hunterian.
Bằng cách này, bộ xương của Byrne đã tiếp tục đứng đó trong suốt 200 năm – thách thức những nguyên tắc đạo đức, khoa học và cả pháp lý.
Không ai biết họ nên làm gì với hài cốt của Byrne. Bảo tàng nói bộ xương đã là tài sản của họ, trong khi các luật sư nói tất cả mọi người phải tôn trọng ý nguyện được chôn cất dưới biển của Byrne khi còn sống.
Các nhà khoa học không muốn điều đó, họ nói mình cần giữ lại bộ xương để nghiên cứu về hội chứng người khổng lồ, những kiến thức này sau đó sẽ giúp ích những hậu thế cũng đang mắc phải tình trạng tương tự như Byrne.
Nhưng những nhà đạo đức nói rằng bởi các nhà khoa học đã trích xuất được DNA của anh ấy, người khổng lồ Ireland nên được yên nghỉ.
Mặc dù vậy, Byrne nên được yên nghỉ như thế nào thì lại là một câu hỏi mới.
Có người nói muốn chôn cất anh ở quê nhà, có người nói anh nên được thủy táng dưới biển như nguyện vọng, có người lại nói Bảo tàng Hunterian chỉ cần cất Byrne và ngừng việc trưng bày anh ấy như một mẫu vật là được.
Trong suốt 2 thập kỷ, các nhà đạo đức y khoa, luật sư và cả những người tự nhận là thân nhân còn sống của Byrne đã không thể quyết định được số phận bộ hài cốt. Trường hợp của Người khổng lồ Ireland đã trở thành một trong những cuộc tranh cãi lớn nhất trong lịch sử y khoa Vương Quốc Anh.
Bất lực trong việc lập luận để có được câu trả lời cho số phận bộ xương Byrne, năm 2011, tạp chí Y khoa Anh Quốc (BMJ) đã thực hiện một cuộc bỏ phiếu trong cộng đồng y học.
Ý tưởng được Len Doyal, giáo sư danh dự về Đạo đức Y Khoa tại Đại học London và giảng viên luật Thomas Muinzer đưa ra, trong một bài báo của họ có tựa đề:"Có nên chôn bộ xương của Người khổng lồ Ireland trên biển?".
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy 55,6% đã bỏ phiếu ủng hộ ý tưởng đó. 13,17% ủng hộ việc ngừng trưng bày bộ xương của Byrne nhưng giữ anh ấy lại để nghiên cứu. 31,55% người bỏ phiếu nói rằng nên để nguyên hiện trạng.
Sự ảnh hưởng của bài báo trên BMJ năm đó khiến Đại học Phẫu thuật Hoàng gia phải triệu tập một cuộc họp hội đồng để định đoạt số phận hài cốt Byrne. Nhưng sau khi cuộc họp kết thúc, kết quả họ vẫn tiếp tục trưng bày người khổng lồ xấu số.
Năm 2013, một bài báo xuất bản trên tạp chí Luật Văn hóa và Tài sản Quốc tế tiếp tục đề cập đến vấn đề pháp lý trong trường hợp hài cốt Byrne. Các tác giả nghiên cứu đã tìm về ngôi làng Littlebridge, nơi mà Người khổng lồ Ireland đã được sinh ra, với mong muốn tìm được những hậu duệ là người thân của anh ấy.
Mặc dù vậy, cuộc tìm kiếm đã không cho kết quả khả quan. Một số người mắc bệnh khổng lồ ở Ireland, tuyên bố là cháu họ đời xa của Byrne, cũng không có được số lượng gene trùng khớp với ông ấy để được công nhận. Các tác giả vì vậy chỉ có thể kêu gọi Bảo tàng Hunterian nên trả lại bộ xương cho ngôi làng Littlebridge, nơi Người khổng lồ Ireland được sinh ra. Họ nói ông nên được chôn cất ở đó.
Dame Hilary Mantel, tác giả cuốn tiểu thuyết "The Giant, O'Brien" kể về cuộc đời Byrne đồng ý: "Tôi cho rằng Byrne ban đầu muốn được thả xác xuống biển chỉ là để trốn khỏi tầm với của bác sĩ Hunter. Nếu bây giờ anh ấy được phép rời khỏi bảo tàng, tôi nghĩ anh ấy sẽ muốn được chôn cất ở quê nhà Ireland".
Đến năm 2021, kịch tính của những tranh cãi xung quanh hài cốt Byrne tiếp tục được đẩy lên một bậc. Đó là trong một nghiên cứu của tiến sĩ Mary Lowth, một bác sĩ, nhà luật học tại Đại học King's London.
Viết trên , Mary viện dẫn luật pháp Anh trong nhiều thế kỷ đã coi xác chết như một con người. Khi một người hiến xác cho y học, cái xác cũng được xứng đáng đối xử như một con người và có quyền của một con người.
Vì vậy, khi Hunter đánh cắp thi thể của Byrne, ông ta không trộm một tài sản, mà đã bắt cóc một con người. Tại bảo tàng Hunterian, Byrne không chỉ bị đem ra trưng bày mà anh ấy còn bị giam giữ trong suốt 200 năm.
Những điều này mở đường cho một kịch bản, bây giờ nếu có một nhóm người xông vào bảo tàng, đánh cắp hài cốt Bryne để an táng anh ấy trên biển như ý nguyện, thì đó không phải một vụ trộm cắp tài sản. Thay vào đó, những người này đang thực hiện một cuộc giải cứu con tin.
Nếu họ thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý liên quan đến an táng dưới biển, nhóm trộm hài cốt này sẽ không thể bị khởi tố bởi pháp luật.
Nghiên cứu của Mary được thực hiện trong lúc Bảo tàng Hunterian đóng cửa 3 năm để tu sửa. Hồi tháng 1 vừa rồi, họ chuẩn bị mở cửa trở lại thì bất ngờ, Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh phát đi một thông báo.
Họ nói rằng hoạt động trưng bày bộ xương Người khổng lồ Ireland trước công chúng sẽ bị đình chỉ. Mặc dù vậy, áp lực vẫn chưa đủ lớn để Byrne được "thả tự do". Anh ấy sẽ vẫn bị giữ lại đâu đó trong kho của Bảo tàng Hunterian với mục đích phục vụ khoa học.
"Trong thời gian đóng cửa Bảo tàng, Hội đồng quản trị của Bộ sưu tập Hunterian đã thảo luận về sự nhạy cảm và các quan điểm khác nhau xung quanh việc trưng bày và lưu giữ bộ xương của Charles Byrne", thông báo viết.
"Các Ủy viên đã đồng ý rằng bộ xương của Charles Byrne sẽ không được trưng bày trong Bảo tàng Hunterian sau quá trình cải tổ, nhưng sẽ vẫn được trưng dụng bất cứ lúc nào cho nghiên cứu y học chân chính về bệnh tuyến yên hoặc hội chứng người khổng lồ".
Với hơn 20 năm đấu tranh kiên trì cho quyền lợi của Byrne, Muinzer và giáo sư Doyal là những người đầu tiên hoan nghênh quyết định này. Người khổng lồ Ireland cuối cùng cũng tìm cho mình một không gian để yên nghỉ.
"Nhưng chúng tôi nghi ngờ bảo tàng vẫn cho phép các sinh viên y khoa được nhìn thấy bộ xương một cách riêng tư", Muinzer nói. "Điều này một lần nữa đi ngược lại với ý nguyện của anh ấy. Chúng tôi nghĩ bộ xương của Byrne vẫn nên được chôn cất dưới biển".
Tham khảo , , , , , , , ,
Lấy link