Âm lịch (lịch Âm), hay còn gọi là lịch vạn niên là loại lịch dựa trên các chu kỳ của tuần trăng, được nhiều nền văn hóa sử dụng, trong đó có Việt Nam.
Do thời lượng của chu kỳ/quỹ đạo mặt trăng không cố định và dao động ít nhiều trong khoảng thời gian trung bình của nó, nên độ dài của một tháng sẽ là 29 hoặc 30 ngày luân phiên (được gọi tương ứng là thiếu và đủ). Nếu tính chính xác, con số này ở chu kỳ giao hội là 29,530588... ngày.
Cách tính lịch Âm dựa trên chuyển động của mặt trăng có thể sẽ càng phức tạp hơn trong tương lai, nếu như các cơ quan hàng không quốc tế thiết lập múi giờ mới dành cho mặt trăng.
Xung đột với cách tính Âm lịch hiện tại
Vào ngày 27/1, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã đề xuất thiết lập một múi giờ mới trên mặt trăng để dễ dàng liên lạc trong bối cảnh ngày càng có nhiều tàu vũ trụ và các sứ mệnh không gian được thực hiện.
Được biết tại thời điểm hiện nay, mỗi sứ mệnh mặt trăng đều đang sử dụng múi giờ của quốc gia chủ quản, và liên kết với giờ quốc tế dựa trên các múi giờ trái đất (UTC).
Thế nhưng phương pháp này không mang lại sự chính xác cao, đồng nghĩa với việc các tàu vũ trụ được vận hành từ những nơi khác nhau sẽ không đồng bộ với nhau.
Cách tính thời gian này thậm chí còn không khả thi nếu xét riêng ở một số sứ mệnh hợp tác, chẳng hạn như Trạm Vũ trụ Gateway quay quanh mặt trăng của NASA, sẽ cần phối hợp với vô số sứ mệnh mặt trăng và không gian khác.
Pietro Giordano, kỹ sư hệ thống định vị của ESA cho biết : "Chúng ta đã thống nhất về tầm quan trọng và tính cấp bách của việc xác định thời gian tham chiếu mặt trăng nói chung, được quốc tế chấp nhận". Đồng thời, ông đánh giá đây là một nỗ lực quốc tế đáng ghi nhận, hiện đang được triển khai để đạt được thống nhất.
Theo đó, việc có múi giờ tiêu chuẩn dành cho mặt trăng không chỉ cho phép việc giao tiếp dễ dàng hơn, mà còn giúp các phi hành gia định hướng tốt hơn trong nhiệm vụ của họ.
Để làm được điều này, các cơ quan vũ trụ có kế hoạch lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS) ngay trên mặt trăng, bắt đầu từ khoảng năm 2030. Điều này sẽ tương tự như cách GPS hoạt động trên trái đất, khi sử dụng các vệ tinh mang đồng hồ nguyên tử để tính toán vị trí.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang đắn đo trước câu hỏi rằng cách tính thời gian của Âm lịch sẽ hoạt động như thế nào sau khi quy chuẩn múi giờ cho mặt trăng được thiết lập.
"Giờ Âm lịch" sẽ độc lập hay sẽ được đồng bộ hóa với thời gian trên trái đất?
Theo Bernhard Hufenbach, một đại diện của ESA, để giải quyết những câu hỏi như vậy đòi hỏi phải vượt qua một số rào cản kỹ thuật. Chẳng hạn như thực tế là đồng hồ trên mặt trăng chạy chậm hơn so với trên trái đất, khoảng 56 phần triệu giây mỗi ngày.
Các chuyên gia cho rằng sự khác biệt này cuối cùng sẽ dẫn đến một số vấn đề trong phép đo chính xác, khiến đồng hồ không còn là công cụ đáng tin cậy nếu so sánh trên bề mặt mặt trăng với quỹ đạo trái đất.
"Đây sẽ là một thách thức khá lớn trên bề mặt của mặt trăng - nơi ở khu vực xích đạo mỗi ngày kéo dài 29,5 ngày", Bernhard chia sẻ.
Dẫu vậy, ông thừa nhận việc thiết lập một múi giờ riêng cho mặt trăng là điều cần phải thực hiện, do đây sẽ là cơ sở để chúng ta tiếp tục làm điều tương tự cho các điểm đến, các hành tinh khác.