Đã từ rất lâu, các tàu thám hiểm Sao Hỏa đã được giao nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết sinh học trên hành tinh này. Thế nhưng, chúng có thể đã bỏ qua các dạng sống siêu nhỏ mà không phát hiện thấy điều gì. Đơn giản chỉ vì thiết bị của chúng ta có thể không đáp ứng được yêu cầu.
Trên thực tế, theo một nghiên cứu mới được thực hiện ở Atacama - sa mạc lâu đời nhất của Trái Đất, công nghệ hiện tại không phải lúc nào cũng có thể phát hiện ra dấu hiệu của sự sống, cho dù nó nằm ngay trên bề mặt hành tinh của chúng ta.
Được biết, sa mạc Atacama ở Chile có một vùng đồng bằng cổ xưa, được gọi là Đá Đỏ. Khu vực này chứa nhiều cát, trộn lẫn đá giàu hematit và đá bùn. Về mặt địa chất, khu vực khá giống với một phần của Sao Hỏa. Đây cũng là lý do tại sao các nhà sinh vật học vũ trụ thường sử dụng đây làm nơi thí nghiệm cho những dự án trên Hành tinh Đỏ.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học ở Chile tiến hành kiểm tra những mẫu khoáng vật ở đồng bằng Đá Đỏ bằng cách sử dụng những công nghệ hiện đại nhất. Kết quả là họ đã phát hiện ra một số dấu hiệu bí ẩn.
Cụ thể, có tới gần 9% trình tự gen thu được bằng cách sử dụng phương pháp Giải trình tự thế hệ tiếp theo. Điều đáng nói là mẫu này từng nằm trong danh mục "không được phân loại". Bên cạnh đó, 40% số trình tự còn lại hiện chưa thể được gán cho bất kỳ danh mục cụ thể nào, chẳng hạn như bộ hoặc miền.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học tự trị Chile cho biết những phát hiện của họ cho thấy mức độ cao bất thường về "phát sinh loài không xác định".
Một khái niệm mới đã được đề xuất, đó là "hệ vi sinh vật tối". Thuật ngữ này về cơ bản bao gồm các vi sinh vật mà các nhà khoa học hiện nay chưa thể phát hiện, hoặc đã có thể phát hiện thông qua giải trình tự gen - nhưng không biết chính xác chúng là thứ gì.
Một lập luận được đưa ra, đó là "hệ vi sinh vật tối" có thể đã tồn tại từ lâu trên Sao Hỏa, nhưng mãi cho tới nay, chúng ta vẫn chưa thể phân loại được chúng, cũng như truy tìm được dấu vết của bất kỳ sinh vật nào.
Để lập luận thêm phần đáng tin cậy, các nhà khoa học thậm chí đã sử dụng các thiết bị đang được hoạt động trong các sứ mệnh trên Sao Hỏa và vũ trụ. Kết quả là chúng gặp nhiều khó khăn để phát hiện vi sinh vật tại vùng Đá Đỏ, hay thậm chí là không thể phát hiện được trong hầu hết các trường hợp.
"Chúng ta có thể sẽ không phát hiện được dấu vết của vi sinh vật trong đất và đá của Sao Hỏa. Thí nghiệm của chúng tôi cho thấy điều này phụ thuộc rất nhiều vào công cụ và kỹ thuật được sử dụng", các nhà nghiên cứu cho biết.
"Bởi vậy, sẽ rất quan trọng để đưa các mẫu này trở lại Trái Đất. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể khẳng định rằng sự sống có tồn tại trên sao Hỏa hay không".
Đây chính xác là điều mà NASA cùng các cơ quan vũ trụ khác đang nỗ lực triển khai.
Trong nhiều năm trở lại đây, NASA đã đạt được bước tiến mới khi tàu thám hiểm Perseverance đã tìm thấy "dấu hiệu mạnh mẽ" của vật chất hữu cơ khi di chuyển qua một vùng đồng bằng sông cổ trên Sao Hỏa. Những năm trước đó, robot tự hành Curiosity cũng đã thu được dấu hiệu của các phân tử hữu cơ trong cát và bùn khô.
Thế nhưng để đi tới Sao Hỏa, rồi quay trở lại, đòi hỏi một cuộc cách mạng nhiều hơn những gì mà chúng ta đã và đang thực hiện. Các nhà khoa học hy vọng rằng mục tiêu này có thể được thực hiện trong khoảng từ 10 - 20 năm nữa.