Khi nhắc tới các nhà khoa học, chúng ta sẽ lập tức nghĩ ngay đến hình ảnh của những Albert Einstein, Charles Darwin hay Thomas Edison... Trong số này, rất hiếm tên của nhà khoa học nữ được nói tới.
Theo thống kê của tổ chức UNESCO vào năm 2020, chỉ có 30% các nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới là phụ nữ. Rõ ràng, trong một lĩnh vực mà nam giới chiếm tỷ trọng rất lớn, thì các nhà khoa học nữ thường rất khó để khẳng định bản thân.
Dẫu vậy, không phải là không có những cái tên khiến chúng ta cảm thấy tự hào.
Mới đây, một nhà khoa học người Việt vừa vinh dự được vinh dự bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Mỹ (NAE). Đó là nữ giáo sư Nguyễn Thục Quyên, người từng được biết đến với tư cách là đồng chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture mùa 2.
Được biết, kết quả bầu chọn của cuộc bỏ phiếu dựa trên những đóng góp xuất sắc cũng như các thành tựu liên tục nổi bật của các tân viện sĩ trong nghiên cứu và giảng dạy ở lĩnh vực kỹ thuật. Trong lần bỏ phiếu này, NAE kết nạp thêm 124 thành viên (bao gồm 106 nhà khoa học người Mỹ và 18 nhà khoa học quốc tế), nâng tổng số viện sĩ hiện tại của cơ quan này lên 2.420 người Mỹ và 319 người nước ngoài.
Đối với GS. Quyên, bà đã được các viện sĩ đương nhiệm đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực này. Bên cạnh đó, bà cũng có những công trình nghiên cứu đặc biệt về quang điện hữu cơ cho các tòa nhà và nhà kính tiết kiệm năng lượng.
Đặc biệt, NAE cũng đánh giá cao vai trò tiên phong của tân viện sĩ trong việc phát triển những lĩnh vực công nghệ mới, tạo ra sự phát triển vượt bậc ở những ngành kỹ thuật truyền thống hoặc mang đến những cách tiếp cận đột phá trong việc giảng dạy ngành kỹ thuật.
Trên thế giới, đây hiện là công nhận danh dự cao nhất dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật.
Chia sẻ nhân sự kiện đáng nhớ này , GS. Quyên cho biết: "Được bầu làm thành viên Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ vừa là niềm vinh dự lớn lao cùng với đó là ý thức trách nhiệm về việc cần đóng góp nhiều hơn nữa".
GS. Quyên cũng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ cho "phái yếu" trên con đường chinh phục thử thách khoa học. Giáo sư nhấn mạnh rằng điều này chính là trách nhiệm của bà đối với toàn xã hội.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên sinh năm 1970 tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Sau năm 1975, cha bà đi cải tạo, anh chị bà theo mẹ, một giáo viên dạy toán cấp 2, đi làm kinh tế mới để kiếm kế sinh nhai. Thời ấy để nấu một bữa cơm bà phải đi nhặt lá để nhóm bếp.
Năm 1991, bà có điều kiện theo gia đình sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Khi mới đến Mỹ vốn tiếng Anh của bà hầu như bằng không, lại là nữ giới, và xuất thân từ châu Á, nên chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, những hiểu lầm trong giao tiếp hay việc bị đối xử bất công, khiếm nhã càng là động lực thôi thúc bà ráng cố gắng học để thay đổi cuộc đời.
Sau một năm, khi vốn tiếng Anh đã được cải thiện rõ rệt, bà có được thành tựu đầu tiên trên đất Mỹ là được nhận vào học chính thức. Năm 1995, bà chuyển lên Đại học California, Los Angeles.
Năm 1997, bà tốt nghiệp đại học. Năm 1998, bà có thêm bằng cao học (thạc sĩ) ngành hóa học vật lý. Tháng 6/2001, bà nhận bằng Tiến sĩ cùng giải thưởng xuất sắc của phân ngành Lý- Hóa, được mời cộng tác nghiên cứu cùng hai giáo sư tên tuổi là Louis Brus và Colin Nuckolls, đồng thời được hợp tác với các nhà khoa học của IBM về công nghệ nano.
Các nghiên cứu của bà sau này xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị.
Trong sự nghiệp khoa học, GS. Nguyễn Thục Quyên đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Giải thưởng Nhà Nghiên Cứu Trẻ của Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (2005), Giải thưởng Quỹ Khoa học Quốc gia CAREER (2006), Giải thưởng Harold Plous (2007). Năm 2008, GS. Quyên nhận Giải thưởng Học giả - Giáo viên Camille Dreyfus, sau đó lần lượt là các giải Nghiên cứu viên Alfred Sloan năm (2009), Nghiên cứu viên Đổi mới và Năng lực Cạnh tranh Hoa Kỳ của Quỹ Khoa học Quốc gia 2010, Giải thưởng Nghiên cứu Cao cấp Alexander von Humboldt năm 2015, Nghiên cứu viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia năm 2016. Đặc biệt, GS. Quyên được bình chọn là Trí tuệ Khoa học có Ảnh hưởng nhất Thế giới năm 2015, 2016, 2017 và 2018.
Năm 2015, GS. Quyên được Thomson Reuters xếp tên trong danh sách những nhà khoa học gây ảnh hưởng nhất trên thế giới. Đến nay, bà đã có 4 năm liền vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (highly cited researchers - HCR).