Cách đây khoảng 8.300 năm, một cậu bé tuổi thiếu niên với hộp sọ khác thường và tầm vóc thấp bé có thể đã chạy dọc theo bờ biển đầy đá của Na Uy ngày nay. Cậu dừng lại để lấy thăng bằng trong khi tay vẫn nắm chặt cần câu. Giờ đây, một bản phục dựng toàn bộ cơ thể của Vistengutten - tên của cậu bé, có nghĩa là "Cậu bé đến từ Viste" - đang được trưng bày ở bảo tàng Ha Gamle Prestegard ở miền Nam Na Uy.
Kể từ khi các nhà khảo cổ học phát hiện ra bộ xương của Vistengutten trong một hang đá ở Randaberg, bờ biển phía Tây Na Uy vào năm 1907, các nhà khoa học đã dành nhiều quan tâm đến cậu bé sống vào Thời kỳ Đồ đá giữa này. Với chiều cao 1,25 mét, cậu trông thấp bé hơn so với người cùng tuổi, ngay cả với đặc điểm của người thời đó.
Cậu bị dị tật đầu hình thuyền, nghĩa là hộp sọ của cậu hợp nhất quá sớm khiến sọ lồi ra phía sau thay vì phình sang hai bên. Rất có thể cậu đã chết trong đơn độc, vì bộ xương được tìm thấy trong tình trạng như thể cậu đã ngồi dựa vào vách hang.
Dị tật đầu thuyền xảy ra khi khớp dọc trên đỉnh hộp sọ hợp nhất quá sớm làm cho hộp sọ có hình dạng gồ lên, nhưng không liên quan đến chậm phát triển trí tuệ. Mặc dù hình dáng hộp sọ bất thường và vóc dáng nhỏ bé khiến cậu có vẻ ngoài đặc biệt nhưng các đặc điểm còn lại cho thấy cậu vẫn được ăn uống đầy đủ và khỏe mạnh.
Khối lượng lớn di chỉ xác động vật ở khu vực này cũng chứng tỏ nguồn cung cấp thực phẩm ở đây rất dồi dào. Chiếc hang có độ sâu khoảng 9 mét, rộng 5 mét, chứa đầy rác bếp và rất nhiều đồ trang trí như mặt dây chuyền bằng xương, dụng cụ đánh cá bao gồm lưỡi câu, lao móc và mũi xương gài mồi, cho thấy người xưa đã sống, làm việc, nấu nướng và ngủ tại Viste. Chiếc móc câu mà cậu bé cầm trong tay trong hình ảnh phục dựng là một trong những đồ vật được tìm thấy trong hang.
Để tái tạo lại hình ảnh cậu bé, chuyên gia Nilsson đã chụp cắt lớp vi tính 2 lần đối với hộp sọ. Nhờ đó ông có được bản in 3D bằng nhựa. Vì không chắc chắn về độ dày các mô trên khuôn mặt cậu bé, ông đã dựa vào số đo của những cậu bé 15 tuổi ở Bắc Âu hiện nay. Ông nói "tất nhiên chúng ta không biết những số đo này có thể thay đổi chính xác như thế nào ở những con người sống cách đây 8.000 năm, nhưng đây là những gì tốt nhất chúng ta có thể đoán được."
Ông cũng nhận thấy rằng phần trán rất giống với trán một đứa trẻ. Bộ phận này tròn và nhô lên nhiều hơn một chút so với toàn bộ khuôn mặt. Đặc điểm này cũng có thể do dị tật đầu thuyền. Phân tích DNA cho thấy màu da, tóc và mắt của cậu "có thể gần giống với người Na Uy ở thời kỳ đó", tức là chủ yếu mắt nâu, tóc sẫm và da trung bình.
Ban đầu ông định tạo cho cậu bé có hình ảnh đang cười mỉm, "nhưng càng tìm hiểu kỹ, tôi càng không thoát khỏi cảm giác cậu bé đã rất cô đơn" - Nilsson nói. "Tôi tưởng tượng cậu bé đang trên đường ra biển để bắt cá. Vùng này của Na Uy rất nhiều gió nên tôi đã làm việc kỹ càng để tạo hình như thể gió đang thổi vào tóc và quần áo của cậu."
Quần áo của cậu bé do nhà khảo cổ học Helena Gjaerum làm. Bà đã áp dụng các kỹ thuật thuộc da thời tiền sử để làm cho cậu bé một bộ quần áo mùa hè và để cậu đi chân trần trên bãi biển.
Mô tả về sản phẩm công việc của mình, bà cho biết "Chiếc áo của cậu bé được làm từ da nai sừng tấm, hai tấm da cá hồi đã thuộc được quấn quanh eo, thêm chiếc túi đeo ở thắt lưng được làm từ da hươu. Xương của những động vật này được tìm thấy ở địa điểm khảo cổ. Bộ trang phục được may bằng sợi gân và dây da được bôi tro và mỡ để trông rất thật".
Chiếc vòng cổ cũng được làm thủ công bằng đốt sống cá hồi và vỏ sò vỡ. Nhà khảo cổ học Kristine Orestad Sorgaard ở Bảo tàng Khảo cổ học, Trường đại học Stavanger, nói rằng tìm thấy cậu bé và phục dựng lại hình ảnh của cậu giống như một lời nhắc nhở rằng dù sống trong một thế giới rất khác so với thế giới hiện đại nhưng người xưa cũng có nhiều điểm rất giống với chúng ta ngày nay.