Gót chân Achilles của Trung Quốc
Chip bán dẫn được ví như trái tim để thúc đẩy sự đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, Mỹ đã và đang hạn chế hoạt động xuất khẩu các linh kiện bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc. Vì vậy, nhiều câu hỏi đặt ra rằng đất nước tỷ dân có thể duy trì ngành công nghệ trong bao lâu nếu một ngày thiếu đi thành phần quan trọng này.
Các công nghệ lõi là gót chân Achilles (nhược điểm chí mạng) của Trung Quốc. Chính bởi vậy, đây cũng là mục tiêu để Mỹ hạn chế nền công nghệ của đất nước này.
Nếu không làm chủ được những con chip phức tạp, cần thiết để sản xuất các sản phẩm công nghệ thì niềm hy vọng có thể vượt Mỹ và trở thành nền kinh tế top 1 thế giới của Trung Quốc sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Jun Zhang, Phó giáo sư địa lý kinh tế tại Đại học Toronto cho biết: “Chip là nền tảng của nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực chưa từng có từ Mỹ”.
Việc Mỹ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện bán dẫn sang Trung Quốc là một trong những lý do khiến nhiều tổ chức quốc tế bắt đầu “lùi dần” hoặc hủy bỏ những dự báo rằng Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo thông tin do South China Morning Post (SCMP) cung cấp. Khoảng cách giữa hai nền kinh tế đã có sự nới rộng vào năm ngoái.
Goldman Sachs dự báo vào tháng 11 năm ngoái rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể giảm 1,7 điểm phần trăm do ảnh hưởng từ cuộc chiến kinh tế giữa hai cường quốc hoặc trong 4 năm tới, tốc độ tăng trưởng hàng năm sẽ bị giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm. Và có thể, nguyên nhân chính là đến từ lĩnh vực chip bán dẫn.
Nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 39,8% GDP của Trung Quốc. Đây được coi là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được hiệu suất cao nhất, quốc gia này cần chip bán dẫn.
Nhưng một chuỗi các ngành công nghệ, từ xe không người lái, máy tính tốc độ cao cho đến trí tuệ nhân tạo đều gặp tổn thất không nhỏ trước lệnh cấm vận của Mỹ. Trong thời gian tới, thiệt hại kinh tế sẽ gia tăng.
Dan Wang, một nhà phân tích của Gavekal Dragonomics đã viết trong báo cáo xuất bản tháng trước rằng: “Hầu như mọi công ty phần cứng tại Trung Quốc đều phải lập kế hoạch đối phó với hậu quả do lệnh cấm vận của Mỹ gây ra. Những biện pháp kìm kẹp này có thể cản trở những tiến bộ trong ngành chất bán dẫn của Trung Quốc”.
Tháng 8 năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và Chips để thúc đẩy sự phát triển ngành chất bán dẫn của Mỹ thông qua các khoản trợ cấp trị giá 52,7 tỷ USD. Sau đó vào tháng 10, chính quyền Mỹ đã mở rộng danh sách các hạn chế công nghệ đối với Trung Quốc, chủ yếu là chip bán dẫn tiên tiến, phần mềm sản xuất chip và các nhân tài công nghệ.
Các nỗ lực kìm hãm đã gia tăng trong tháng trước kể từ khi Mỹ hợp tác với Hà Lan và Nhật Bản để hạn chế việc cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc.
Thomas Helbling, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát biểu trong một cuộc họp báo vào tuần trước rằng: “Đây là một cú sốc cho ngành công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên nó sẽ chỉ kéo dài ngắn hạn”.
Nhưng tình hình cũng có vẻ trở nên phức tạp hơn khi Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến sẽ thông qua Đạo luật Chip EU vào cuối năm nay. Điều này sẽ càng khiến tình cảnh của Trung Quốc trở nên phức tạp. Đạo luật này được kỳ vọng sẽ giúp tăng năng suất sản xuất chip của châu Âu lên khoảng 20%.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn kỳ vọng rằng, nếu làm chủ được chip bán dẫn, thắng thế trước cuộc chiến công nghệ này, Trung Quốc vẫn có thể còn hi vọng vượt qua Mỹ trong tương lai.
Trung Quốc hóa giải đòn tấn công
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc xác định chip cao cấp, thiết bị máy móc công nghiệp, thiết bị điện cơ bản, phần cứng, vật liệu, phần mềm và các thuật toán là những điểm trọng tâm mà quốc gia cần thực hiện. Vì vậy, chính phủ đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tự cung cấp chip từ mức 30% vào năm 2019 lên 70% vào năm 2025.
Theo tờ Tân Hoa Xã, Bộ Chính trị Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp kín vào cuối tháng 1 vừa qua để thảo luận hướng cải thiện năng lực tự chủ công nghệ của quốc gia này.
Nhờ có sự ủng hộ của giới lãnh đạo cấp cao nhất, nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ nhận được thêm tài chính và nguồn lực lớn để đẩy nhanh quá trình thay thế công nghệ nước ngoài.
Bắc Kinh đã huy động tài trợ của chính phủ, sự góp sức của nhiều doanh nghiệp và nhân sự tài năng để đạt được các mục tiêu công nghệ trong tương lai.
Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch từ năm 2019, tập trung vào phát triển các công nghệ bán dẫn nhằm có thể tự chủ việc sản xuất các loại chip tiên tiến bậc nhất thế giới.
Kể từ đó, hơn chục trường đại học danh tiếng, bao gồm cả Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đã thành lập các khoa chuyên phát triển và nghiên cứu mạch tích hợp (IC).
Chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc cũng đang nhanh chóng tiệm cận với Mỹ. Vào năm 2022, khoản chi này tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao kỷ lục khoảng 455 tỷ USD, tương đương 2,55% GDP quốc gia.
Trung Quốc đã nhanh chóng hình thành hệ sinh thái thiết bị, linh kiện và vật liệu phục vụ cho chip bán dẫn. Tuy nhiên các nhà sản xuất chip nội địa vẫn tụt hậu khá xa so với các đối thủ trên toàn cầu.
Hyung-Gon Jeong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế đối ngoại Hàn Quốc cho biết: “Chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu thường tập trung vào các công ty Mỹ và sức ảnh hưởng của Trung Quốc là tương đối yếu. Nền kinh tế tỷ dân dự kiến sẽ phải chịu tác động tiêu cực nếu các công ty đa quốc gia lần lượt rời khỏi Trung Quốc do lệnh trừng phạt của Mỹ”.
Hiện tại, có một số công ty nước ngoài đã chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc. Điều này đã buộc các nhà chức trách quốc gia này cam kết mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường kinh doanh để giữ chân doanh nghiệp ở lại.
Tổng hợp
Lấy link