Năm 1997, các nhà khảo cổ học khai quật một bộ xương chôn trong tư thế bào thai ở Toca dos Coqueiros, di chỉ trong vườn quốc gia Serra da Capivara, Brazil. Dựa trên kích thước và hình dáng hộp sọ, họ xác định hài cốt là nữ giới và đặt tên là Zuzu. Nhưng kết quả phân loại đó vẫn gây tranh cãi và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người chết là nam giới. Một hình ảnh phỏng đoán gương mặt dựa trên hộp sọ 9.600 năm có thể khiến tranh cãi đi tới hồi kết.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu chụp hàng chục bức ảnh từ nhiều góc khác nhau của hộp sọ trưng bày ở Bảo tàng Tự nhiên tại Paraná, Brazil. Sử dụng phép quang trắc, họ kết hợp 57 bức ảnh bằng kỹ thuật số để tạo ra mô hình 3D ảo của hộp sọ, hé lộ gương mặt của người chết, Live Science hôm 14/2 đưa tin.
"Tìm cách phục dựng hình dáng của một cá nhân sống cách đây hàng nghìn năm là cách đưa họ về thời nay", Moacir Elias Santos, nhà khảo cổ học ở Bảo tàng Lịch sử Ciro Flamarion Cardoso, Brazil, chia sẻ. "Mối quan tâm chính của chúng tôi là nhìn thấy gương mặt của Zuzu. Bộ hài cốt này là một trong những phát hiện quan trọng nhất ở vườn quốc gia Serra da Capivara".
Để tiến hành nghiên cứu, Santos và cộng sự sử dụng chụp cắt lớp vi tính (CT scan) từ người hiến và ứng dụng thông tin để điều chỉnh cấu trúc hộp sọ, bao gồm vật đánh dấu độ dày mô, theo Cícero Moraes, chuyên gia đồ họa người Brazi. "Chúng tôi điều chỉnh cấu trúc hộp sọ để biến đổi hộp sọ của người hiến theo thể tích gần tương đương hộp sọ của Zuzu", Moraes giải thích. "Khi chúng tôi làm vậy, mô mềm cũng được chỉnh theo và kết quả là gương mặt đúng như mong đợi, phù hợp với đời sống của Zuzu".
Nhóm nghiên cứu tạo ra hai kết quả, cả hai đều mô tả một người đàn ông trẻ với cánh mũi bè và miệng rộng. Một trong số các phỏng đoán bao gồm tóc và lông mày dựa trên thông tin do người hiến tặng cung cấp. Hình ảnh Zuzu nhắm mắt và trên đầu không có tóc cũng là phỏng đoán. Do gương mặt kỹ thuật số "hơi gầy", nhóm nhóm nghiên cứu thu gọn hàm dưới để phù hợp với khoảng trống do một số chiếc răng bị mất gây ra. Bức ảnh có tông màu xám do không có thông tin chính xác về màu da của người chết.
An Khang (Theo Live Science)