Silicon Valley đổ tiền vào startup Việt Nam

Việt Nam đã thu hút 2,6 tỷ USD tài trợ thông qua 233 thương vụ tư nhân trong năm 2021. Số lượng các công ty khởi nghiệp cũng tăng gấp đôi trong dịch Covid-19.


Một buổi sáng, Vinnie Lauria cùng con trai 3 tuổi len lỏi chiếc xe gắn máy trên con đường đông đúc tại TP.HCM. Lauria – một người Mỹ xa xứ và đồng sáng lập quỹ Golden Gate Ventures – đã chuyển từ Silicon Valley đến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 sau thời gian ở lại Singapore và San Francisco. Ông nằm trong số ngày càng nhiều người nước ngoài bị nơi này thu hút với niềm tin đây sẽ là “thánh địa” mới cho khởi nghiệp.


“Đông Nam Á sẽ là động lực tăng trưởng toàn cầu trong 10 năm tới và Việt Nam là trung tâm”, Lauria nói.


Hình ảnh Việt Nam trong mắt nhiều người phương Tây vẫn là một quốc gia bị chiến tranh tàn phá, đói nghèo và là nơi sản xuất giầy Nike. Tuy nhiên, những ngày này, lập trình viên từ khắp nơi đã đến Thành phố Hồ Chí Minh để thành lập startup. Theo báo cáo hồi tháng 7/2022 của KPMG và HSBC, tính đến giữa năm 2022, số lượng startup tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ đầu dịch Covid-19. Một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới – bao gồm Sequoia Capital, Warburg Pincus và Alibaba – đang hậu thuẫn những startup sở hữu các giải pháp hứa hẹn.


Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao. (Ảnh: Michael Tatarski)

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Co, năm 2021, Việt Nam thu hút kỷ lục 2,6 tỷ USD thông qua 233 thương vụ tư nhân, tăng từ 700 triệu USD và 140 thương vụ một năm trước đó. Các doanh nghiệp trong nước cũng cạnh tranh với các đối thủ khu vực Đông Nam Á, chiếm khoảng 13% tổng dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào khu vực, chỉ sau Indonesia và Singapore năm 2021, theo Do Ventures.


Không dừng lại ở đây, Việt Nam muốn biến Thành phố Hồ Chí Minh thành nam châm hút vốn đầu tư công nghệ và nhắm đến nền kinh tế số chiếm 40% GDP thành phố vào năm 2030. Thành phố ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, trong khi đưa ra các ưu đãi khác để lôi kéo nhân tài toàn cầu và doanh nghiệp quốc tế thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo.


Những nỗ lực này đã có kết quả. VNG – kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam – được dự đoán chuẩn bị niêm yết tại Mỹ trong vài tháng tới. Một nền tảng thanh toán lương và nông nghiệp cũng vừa được rót vốn hàng triệu USD.


Một số chuyên gia trong ngành nhận xét, Thành phố Hồ Chí Minh có những điểm tương tự Silicon Valley: hệ thống giáo dục thiên về toán học và khoa học, một ngành công nghiệp gia công phần mềm lâu đời và được hưởng lợi khi Việt Nam phát triển kinh tế. Năm ngoái, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á.


Theo Vy Le, đồng sáng lập Do Ventures, nếu một thập kỷ trước, các nhà đầu tư có thể nghiên cứu một dự án trong 6 tháng thì nay, nếu không ra quyết định trong 1 hoặc 2 tháng, các quỹ khác sẽ nhảy vào. bà cho biết, trung bình mỗi tháng gặp 10 quỹ đầu tư nước ngoài.


Con đường phía trước tất nhiên sẽ không dễ dàng khi dòng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu giảm và kinh tế thế giới chưa chắc chắn. Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp mới hình thành được hơn thập kỷ còn chưa ổn định. Theo nghiên cứu năm 2022 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), cần có một số cải cách chính sách để tạo ra môi trường kích thích thành lập doanh nghiệp sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng của các startup công nghệ và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính.


Những thách thức chờ đợi lĩnh vực startup non trẻ của Việt Nam không thể cản trở những người nước ngoài như Lauria. Quỹ của ông bắt đầu hỗ trợ startup trong nước từ năm 2014. Năm ngoái, ông mở hai văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ông quyết định tới đây sau khi chứng kiến tăng trưởng đột phá trên đầu người của Việt Nam trong thập kỷ qua, đồng thời dự đoán chi tiêu qua mạng có thể tăng gấp 5 lần trong 6 năm tiếp theo.


Theo Nguyen Nguyen – người điều hành một doanh nghiệp AI hỗ trợ người không có lịch sử tín dụng vay tiền, ngày càng nhiều công dân Việt Nam trở về quê hương. Nguyen gọi đây là “chảy máu chất xám ngược”. Bản thân Nguyen cũng về Việt Nam sau khi hoàn thành bằng Tiến sỹ kinh tế tại Đại học Rice (Texas, Mỹ). Khoảng 2/3 nhân viên của anh tại startup Trusting Social đều có ít nhất một tấm bằng Thạc sỹ tại nước ngoài.


Ông Lê Hồng Minh, đồng sáng lập VNG, nhận xét lĩnh vực startup đã thay đổi rõ rệt. Tỉ lệ sử dụng smartphone và Internet cao, dân số trẻ chiếm phần lớn và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh đang định hình lại Việt Nam.


Binh Tran, đồng sáng lập Ascend Vietnam Ventures, cho rằng “Việt Nam mới” vượt xa những gì mọi người sống ở ngoài Việt Nam vẫn biết. “Đây là một thị trường rất dễ tiếp cận và ngôn ngữ không phải rào cản lớn… Bạn sẽ tìm được nhiều tài năng trẻ, khao khát gia nhập startup của bạn”, ông nói.


(Theo Bloomberg)


Mỗi startup Việt nhận đầu tư trung bình 1,15 triệu USD

Mỗi startup Việt nhận đầu tư trung bình 1,15 triệu USD

Mức đầu tư trung bình vào một startup Việt rơi vào khoảng 1,15 triệu USD với giai đoạn đầu và đạt giá trị 9,5 triệu USD ở giai đoạn trung và cuối.
Cơ hội vàng tìm ‘hiền tài’ của các startup

Cơ hội vàng tìm ‘hiền tài’ của các startup

Khi các hãng công nghệ hàng đầu cắt giảm nhân sự hay đóng băng tuyển dụng, startup có cơ hội tiếp cận nhân tài tốt hơn so với trước kia.