Tiểu hành tinh 2005 YY128 sẽ bay cách Trái Đất 4,5 triệu km vào 7h46 ngày 16/2, gần nhất trong vòng hơn 400 năm qua, theo EarthSky.org. Tuy nhiên, khoảng cách đó vẫn lớn gấp 12 lần quãng đường giữa Trái Đất và Mặt Trăng, vì vậy tiểu hành tinh này không có khả năng đâm vào địa cầu.
Giống như tên gọi, 2005 YY128 được phát hiện vào năm 2005 bởi các nhà thiên văn học ở Đài quan sát Kitt Peak tại miền nam Arizona. Trong 17 năm qua, nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ quỹ đạo của nó với độ chính xác cao. Tuy nhiên, những quan sát của họ chưa thể xác định chính xác kích thước của 2005 YY128. Thay vào đó, họ chỉ có thể ước tính đường kính của nó nằm trong khoảng 580 – 1.300 m.
Do đó, 2005 YY128 nằm trong danh mục tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm (PHA), bao gồm những thiên thạch rộng ít nhất 140 m và có quỹ đạo nằm cách Trái Đất trong vòng 0,05 đơn vị thiên văn (đơn vị thiên văn AU là khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trời, tương đương 150 triệu km, vì vậy 0,05 AU bằng khoảng 7,4 triệu km). Nếu đâm vào Trái Đất, 2005 YY128 sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Global Challenges Foundation, những tiểu hành tinh bay gần Trái Đất (NEO) lớn nhất có khả năng gây ảnh hưởng địa chất và khí hậu ở quy mô toàn cầu, gây rối loạn nền văn minh nhân loại và có thể dẫn tới sự tuyệt chủng của nhiều loài. Các NEO nhỏ hơn trong khoảng 140 – 1.000 m có thể gây thiệt hại ở cấp khu vực hoặc lục địa, khiến hàng trăm triệu người tử vong.
Cách đây 10 năm vào ngày 15/2/2013, một thiên thạch rộng 20 m phát nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk ở Nga, làm vỡ hàng nghìn cửa sổ và khiến một số người bị thương trên mặt đất. NASA đã mở Văn phòng điều phối phòng thủ hành tinh vài năm sau sự kiện Chelyabinsk. Các nhà thiên văn học và nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang tham gia vào cuộc chiến bảo vệ Trái Đất. NASA và đối tác phát hiện hơn 95% tiểu hành tinh rộng ít nhất một kilomet có thể bay qua Trái Đất trong phạm vi 50 triệu km nhưng không có thiên thể nào gây nguy hiểm trong tương lai gần.
An Khang (Theo Space)