Ngày 13/2, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đồng loạt đăng tải thông tin về một tiểu hành tinh SAR 2667 vừa tiếp cận Trái Đất và tạo ra hiệu ứng vô cùng đặc biệt.
Được biết, người phát hiện ra tiểu hành tinh SAR 2667 là Krisztían Sárneczky, một nhà thiên văn nghiệp dư đến từ Budapest, Hungary. Theo Krisztían, vật thể này được ông phát hiện trong một lần săn lùng NEO (tên viết tắt của các vật thể lạ di chuyển gần Trái Đất).
"Tôi ngay lập tức nhận thấy nó không phải là một NEO", Krisztían cho biết. "Nó đã hướng thẳng về phía chúng tôi và phát sáng rực rỡ khi tiến qua bầu khí quyển".
Dẫu vậy, quả "cầu lửa" này hoàn toàn vô hại, Krisztían cho biết. Bên cạnh đó, ít có khả năng các mảnh vỡ của tiểu hành tinh bị rơi xuống mặt đất. Thông tin này đã được Krisztían chuyển đến ESA vài giờ trước khi tiểu hành tinh rơi xuống bầu khí quyển Trái Đất lúc khoảng 3 giờ sáng theo giờ Việt Nam.
Điều trùng hợp là quả cầu lửa rơi xuống Trái Đất gần như đúng tròn 10 năm kể từ sự kiện một tảng đá không gian bất ngờ phát nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk, Nga vào ngày 15/2/2013, khiến một số người bị thương và đồ vật bị hư hỏng nhẹ.
Kể từ sau sự việc trên xảy ra, các cơ quan vũ trụ trên khắp thế giới như NASA, ESA... đã khẳng định cam kết của họ trong việc theo dõi các vật thể có nguy cơ tác động tới Trái Đất.
Từ đó tới nay, nhân loại đã bước một bước dài trên chặng đường chinh phục không gian, cũng như khám phá những bí ẩn của bầu trời.
ESA đánh giá việc phát hiện thiên thạch có đường kính chỉ xấp xỉ 1 mét cho thấy những tiến bộ đáng kể của nhân loại trong khả năng phát hiện các vật thể lạ từ vũ trụ.