Nguyên nhân của các trận động đất lớn, trong đó có trận động đất mạnh 7,8 độ richter vừa xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đều được lý giải, nhưng không vì thế mà chúng trở nên dễ dự báo hơn.
Bất chấp những tiến bộ trong cả khoa học và công nghệ, chúng ta hầu như không thể biết chính xác động đất sẽ xảy ra khi nào và ở đâu. Nhà địa chất động đất Wendy Bohon ở Trung tâm Bay không gian Goddard của NASA cho biết "Nếu chúng tôi biết chính xác khi nào một trận động đất sẽ xảy ra thì chúng tôi đã có thể đưa ra các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, nhưng Trái Đất là một hệ thống rất phức tạp."
Một trong những thách thức chính là bản chất của động đất là vô cùng khó dự đoán, và khi nó xảy ra thì cực kỳ nhanh chóng. Giáo sư địa chất học Ben van der Pluijm ở Trường đại học Michigan, Mỹ, nói rằng "một trận động đất không giống như một đoàn tàu chạy chậm rồi dần dần tăng tốc. Nó là một sự kiện đột ngột và mạnh lên rất nhanh."
Động đất có xu hướng xảy ra không hề có hoặc có rất ít cảnh báo. Mặc dù các nhà khoa học đã tìm hiểu rất nhiều các sự kiện tiền thân của động đất, tất cả mọi thứ từ những thay đổi về âm thanh dưới mặt đất đến khả năng gia tăng hoạt động địa chấn của một khu vực hoặc thay đổi trong hành vi của động vật, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa thể xác định chính xác bất kỳ tín hiệu nhất quán nào cho thấy sắp sửa có rung lắc. Không có một loại hình rõ ràng nào thì không thể dự báo chính xác được, nó hoàn toàn khác so với dự báo thời tiết.
Ngoài ra, sự va chạm của các mảng kiến tạo khiến cho năng lượng tích tụ chính là quá trình tiền đề của các trận động đất lại có xu hướng diễn ra trong thời gian rất dài. Ví dụ, các nhà khoa học có thể nhận định rằng một trận động đất có khả năng xảy ra ở một khu vực vào một thời điểm nào đó trong 200 năm tới, dựa vào thang thời gian địa chất. Nhưng trên thang thời gian của con người, trong một đời người thì gần như không thể. Giáo sư Van der Pluijm nói rằng "chúng tôi biết rõ một nơi có khả năng xảy ra động đất và cả quy mô rất lớn của chúng, nhưng điều đó không giúp gì cho việc thu hẹp xuống phạm vi thời gian của con người."
Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) còn thẳng thắn thừa nhận trên trang web của mình rằng "cả USGS hay bất kỳ nhà khoa học nào đều chưa từng dự đoán một trận động đất lớn. Chúng tôi không biết bằng cách nào và trong tương lai gần cũng không có cách nào biết được."
Tuy nhiên, trong phạm vi cho phép, chúng ta vẫn có nhiều cách để chuẩn bị ứng phó. USGS đã phát triển một hệ thống cảnh báo sớm có tên là ShakeAlert (Cảnh báo Rung lắc) để phát hiện khi một trận động đất nghiêm trọng xảy ra ở California, Oregon và Washington, sau đó các cảnh báo sẽ được phát đi trên đài phát thanh, truyền hình và thiết bị di động. Giáo sư Van der Pluijm cho biết trong hầu hết các trường hợp cũng chỉ có thể cảnh báo trước thời gian tính bằng giây, nhưng chừng đó vẫn rất quý giá. Ông nói rằng "20 giây nghe có vẻ rất ngắn, nhưng cũng đủ để bạn tìm một chỗ dưới gầm bàn để nấp. Đó không phải là một dự báo nhưng ShakeAlert là một bước tiến lớn vì nó có thể giảm thiểu tác động không thể tránh khỏi."
Nhà địa chất động đất Bohon nhìn nhận một trong những cách quan trọng nhất để chuẩn bị đối phó với động đất là nhận thức được những rủi ro. Đối với các nhà hoạch định chính sách, điều này có nghĩa là đảm bảo cơ sở hạ tầng quan trọng được bảo vệ ở những nơi dễ xảy ra động đất. "Việc cần làm là đảm bảo rằng chúng ta hiểu được điều gì có thể xảy ra và xây dựng công trình đủ vững để chống chịu. Chúng ta phải đảm bảo rằng mọi người biết cần phải làm gì, các thành phố đủ kiên cường khi đối mặt với những mối nguy hiểm đó để chúng ta không chỉ sống sót sau khi xảy ra động đất mà còn vượt qua hậu quả của nó."