Giấc mơ tương lai tươi sáng trong siêu vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg đang khiến các nhà đầu tư tốn quá nhiều tiền, theo CNBC. Báo cáo mới đây nhất cho thấy, Reality Labs, bộ phận chuyên tập trung phát triển các dự án công nghệ thực tế ảo cho Meta đã lỗ 4,28 tỷ USD trong quý IV, qua đó nâng tổng số tiền “bốc hơi” trong năm 2022 lên 13,72 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, 2022 là một năm đầy khó khăn với Mark Zuckerberg. Vào cuối năm 2021, vị CEO này đổi tên công ty, đồng thời thông báo chuyển hướng làm metaverse - một vũ trụ kỹ thuật số nơi mọi người thoải mái làm việc, mua sắm, vui chơi và học tập. Dẫu vậy, hiện tại, Meta vẫn chỉ là một công ty quảng cáo trực tuyến, trong khi Reality Labs trở thành “lò đốt tiền”. Theo CNBC, Reality Labs đã tạo ra 727 triệu USD trong quý IV và 2,16 tỷ USD doanh thu cho cả năm 2022 — giảm so với 2,27 tỷ USD vào năm 2021.
Ước tính Reality Labs sẽ ghi nhận khoản lỗ hoạt động hàng quý là 4,36 tỷ USD trên doanh thu 715,1 triệu USD, theo StreetAccount. Doanh số bán tai nghe VR tại Mỹ giảm 2% trong năm 2022 tính đến đầu tháng 12, theo dữ liệu được công ty nghiên cứu NPD Group chia sẻ.
Hồi tháng 7, Meta thông báo tăng giá của tai nghe Quest 2 VR lên 100 USD như một cách hạ nhiệt áp lực lạm phát. Tai nghe Quest Pro VR cao cấp hơn sau đó được trình làng vào tháng 10 với giá 1.500 USD. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh kém khả quan khiến Meta buộc phải giảm 400 USD giá bán sản phẩm này trong khoảng thời gian giới hạn.
Mùa hè năm ngoái, Zuckerberg hy vọng vũ trụ ảo sẽ “sở hữu khoảng một tỷ người dùng và họ sẽ thực hiện các giao dịch ảo trị giá hàng trăm USD” vào nửa sau của thập kỷ. Tuy nhiên, trước khi giấc mơ của người sáng lập Facebook trở thành hiện thực, Meta sẽ phải chi thêm nhiều tỷ USD nữa để phát triển VR và các công nghệ thực tế tăng cường.
Theo CNN, nhu cầu đối với quảng cáo trực tuyến đã giảm trong những tháng gần đây trong bối cảnh lạm phát gia tăng, song song với những lo ngại về một cuộc suy thoái lớn. Các công ty công nghệ như Google và Snap cũng đã ghi nhận đà sụt giảm doanh thu từ quảng cáo trong quý cuối năm.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng người dùng của Meta cũng đang chậm lại trong bối cảnh các đối thủ như TikTok ngày càng bành trướng. Tính đến hết quý III, Meta có 2,96 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên ứng dụng Facebook, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm so với tốc độ tăng trưởng 6% Meta ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, số lượng người dùng hoạt động hàng ngày trên dòng ứng dụng của Meta tăng 4% lên 2,93 tỷ, giảm so với mức tăng trưởng 11% hồi năm 2021. Theo các chuyên gia, thách thức đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi của Meta ngày một lớn, trong bối cảnh công ty tỷ USD dồn quá nhiều tiền phát triển vũ trụ ảo. Khoản lỗ từ tham vọng “siêu ngược” của công ty dự kiến sẽ “tăng đáng kể” vào năm 2023, theo CNN.
Được biết, Reality Labs đã lỗ gần 3,7 tỷ USD trong quý III. Doanh thu từ bộ phận này cũng giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân một phần do doanh số ảm đạm của bộ kính Quest 2, theo Giám đốc tài chính David Wehner.
Đáp lại, Mark Zuckerberg khẳng định: “Mặc dù chúng tôi phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn về doanh thu, song các nguyên tắc cơ bản vẫn có thể giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng doanh thu đáng kể”. Theo CNN, vị CEO này thời gian tới sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính, bao gồm công cụ khám phá AI cung cấp thuật toán cho Reels, quảng cáo và tầm nhìn cho metaverse.
Mới đây nhất, kết quả doanh thu quý IV tăng vượt kỳ vọng đã giúp cổ phiếu Meta tăng hơn 20% vào cuối phiên giao dịch. Zuckerberg, người dành cả năm 2022 hứa hẹn về một tương lai kỹ thuật số metaverse, cuối cùng cũng đã tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt, chẳng hạn như hiển thị tới người dùng những video, nội dung phù hợp trên trang chủ. Vị CEO này thậm chí còn gọi năm 2023 là một “năm hiệu quả”.
Được biết cổ phiếu Meta đã tăng 27% kể từ đầu năm đến nay sau 1 năm tồi tệ nhất lịch sử. Gã khổng lồ truyền thông xã hội này cho biết sẽ tinh gọn bộ máy vận hành một cách hiệu quả và quyết đoán hơn, song song với sự trợ giúp đắc lực của trí tuệ nhân tạo AI.
“Chúng tôi đang ‘làm phẳng’ cấu trúc tổ chức, đồng thời loại bỏ một số lớp quản lý cấp trung để trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng triển khai và áp dụng các công cụ AI để hỗ trợ phần lớn các kỹ sư. Vẫn sẽ còn nhiều việc có thể làm để cải thiện năng suất, tốc độ và bài toán chi phí của Meta”, Zuckerberg nói.
Theo: CNBC, Bloomberg
Lấy link