Đang có một quan niệm sai lầm về những gì khiến cho xe điện trở nên đột phá. Các nhà sản xuất ô tô từ lâu đã coi “công nghệ lõi” của họ là hệ thống truyền động – về cơ bản là động cơ và hộp số.
Các hãng xe cao cấp thường tự hào về việc họ mua tất cả linh kiện từ các nhà cung cấp nhưng khi lắp ráp chúng lại, họ có thể tạo ra một hệ thống truyền động riêng, tạo ra sự khác biệt. Do đó, khẩu hiệu quảng cáo của BMW AG là “Freude durch Fahren” – niềm vui tuyệt đối khi lái xe.
Xe điện đang thay đổi điều đó, không phải vì hệ truyền động tốt hơn mà bởi vì nhìn chung chúng đều giống nhau - trừ một vài ngoại lệ ở các mẫu xe siêu cao cấp. Trải nghiệm lái trên một chiếc BMW chạy điện sẽ không khác mấy so với một chiếc Cadillac chạy điện. Đó chính là vấn đề: hệ truyền động không còn là điểm khác biệt.
Tesla là một ví dụ rất điển hình cho thức được gọi là “trải nghiệm người dùng” trên một chiếc ô tô điện - như cách mà Thung lũng Silicon thích gọi. Phần lớn thứ trải nghiệm đó đến từ giao diện phần mềm điều khiển chiếc xe.
Những người lái xe Tesla thường say sưa nói về chiếc màn hình có kiểu dáng giống iPad, có thể điều khiển mọi thứ từ âm nhạc đến các chế độ lái – nghĩa là xe không có nút bấm hoặc nếu có cũng chỉ là những nút bấm đơn giản.
Triển lãm CES vừa kết thúc là minh chứng cho thấy các nhà sản xuất đã nhận thức được tầm quan trọng của phần mềm và trải nghiệm người dùng trên ô tô. BWM khoe khoang về “linh hồn kỹ thuật số” trong mỗi chiếc xe và tiết lộ những mẫu xe concept không có nút bấm nào.
Thay vì tìm đến các nhà cung cấp như BlackBerry hay Harman của Samsung Electronics, các nhà sản xuất ô tô đang tự phát triển phần mềm của họ nhiều hơn. Volkswagen đã thuê hơn 6.600 kỹ sư phần mềm trong 2 năm qua và muốn tuyển thêm 1.700 người nữa trong năm nay.
Doanh thu của ngành phần mềm hỗ trợ ô tô có thể đạt 700 tỷ USD trong năm 2030, UBS Group ước tính hồi tháng 11 – bằng 1/4 tổng doanh thu ngành ô tô.
Các công ty ô tô lo sợ số phận của họ sẽ giống các nhà sản xuất điện thoại di động – những người đã đánh mất hầu hết giá trị trên thị trường smartphone cho Google và Apple - những công ty làm chủ trải nghiệm người dùng bằng phần mềm ưu việt.
Chính những gã khổng lồ công nghệ đó cũng đang có động thái nhất định trên thị trường ô tô, không đơn thuần là các dự án ô tô tự lái. Apple công bố bản cập nhật CarPlay hồi tháng 6/2022, không chỉ cho phép màn hình xe hiển thị nội dung từ iPhone mà còn tích hợp sâu hơn với ô tô để hiển thị đồng hồ tốc độ và dữ liệu hiệu suất khác.
Nếu nó trở thành giao diện mặc định trên các phương tiện, các nhà sản xuất ô tô có nguy cơ phải nhượng lại một phần lớn trong khoản doanh thu 700 tỷ USD đó bởi Apple có thể trở thành cửa ngõ cho các nội dung tiêu thụ trên ô tô.
Hãy nghĩ đến App Store, nơi Apple tính phí 30% cho tất cả giao dịch. Đây rõ ràng là điều các nhà sản xuất ô tô không mong muốn. Họ buộc phải nâng cấp trải nghiệm phần mềm trên chính những chiếc ô tô của mình.
Nguồn: Bloomberg
Lấy link