Cảnh báo người dân không mua trực tuyến pháo hoa

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến nghị người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm pháo hoa tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh của nhà máy Z121 và Tổng công ty GAET, không mua trực tuyến trên các website và ứng dụng thương mại điện tử.


Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về tình trạng “khan hiếm” và “thổi giá bán” các sản phẩm pháo hoa không tiếng nổ (pháo hoa) tại một số website, ứng dụng thương mại điện tử và cửa hàng của Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 (nhà máy Z121).


Trường hợp phát hiện các hoạt động kinh doanh, mua, bán pháo hoa trên mạng, người dân được đề nghị cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng. (Ảnh minh họa: Internet)

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho biết, pháo hoa là sản phẩm kinh doanh có điều kiện. Việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh pháo hoa tại Việt Nam phải tuân thủ và đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.


Theo quy định tại Nghị định 137 ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.


Vì thế, để kịp thời cảnh báo, giúp người tiêu dùng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp khi mua pháo hoa, tránh bị "thổi giá", Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vừa thông tin tới người tiêu dùng một số nội dung liên quan.


Cụ thể, chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được cấp phép kinh doanh sản phẩm pháo hoa, gồm nhà máy Z121 và Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (Tổng công ty GAET). Trong đó, nhà máy Z121 có 247 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm pháo hoa tại 52 tỉnh, thành phố.


Về giá bán, nhà máy Z121 áp dụng chính sách bán hàng theo đúng giá niêm yết và trực tiếp đến người tiêu dùng qua hệ thống cửa hàng trên toàn quốc và ban hành biểu mẫu quản lý ghi đầy đủ thông tin về người mua hàng, số lượng, chủng loại hàng hóa bán ra. Do đó, người tiêu dùng có thể tham khảo bảng giá niêm yết tại các cửa hàng.


Trong thông tin mới phát ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các thương nhân, tổ chức cá nhân sở hữu website, ứng dụng thương mại điện tử kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ ngay những sản phẩm pháo hoa Z121 phân phối trên các website và ứng dụng của đơn vị mình (nếu có). Đồng thời, triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý vi phạm.


Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng khuyến nghị người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm pháo hoa tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh của nhà máy Z121 và Tổng công ty GAET.


“Trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh, mua, bán pháo hoa tại các địa điểm ngoài phạm vi các cửa hàng được công bố của nhà máy Z121 và Tổng Công ty GAET hay trên môi trường mạng, đề nghị người tiêu dùng kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị.


Người Việt lên mạng tìm hiểu cách trang trí mâm ngũ quả đón Tết

Người Việt lên mạng tìm hiểu cách trang trí mâm ngũ quả đón Tết

Bên cạnh các mối quan tâm về vé tàu xe hay lịch nghỉ Tết, rất nhiều người lên mạng học cách trang trí nhà cửa đón Xuân Quý Mão.
Khách phải trả thêm tiền khi đặt xe, gọi đồ ăn mùa Tết

Khách phải trả thêm tiền khi đặt xe, gọi đồ ăn mùa Tết

Các ứng dụng gọi xe như Grab, Be, Baemin đồng loạt thực hiện việc phụ thu phí giao hàng, phí gọi đồ ăn và đặt xe trong Tết Quý Mão.