Năm ngày sau khi tuyên bố mua lại thành công Twitter, vị Giám đốc tự xưng Elon Musk đã dành phần lớn thời gian tại trụ sở chính - nơi các nhân viên còn lại đang cố gắng lấy lòng lãnh đạo mới. Musk còn lên kế hoạch tới New York lúc 2 giờ sáng để thăm các văn phòng làm việc của Twitter tại Chelsea, sau đó dành cả ngày bàn bạc với phía nhà quảng cáo - những người có vai trò rất quan trọng với sự sống còn của nền tảng mạng xã hội.
Đến đầu giờ chiều, một nhóm từ Horizon Media ghé thăm trụ sở của Twitter. Đây là một trong những công ty quảng cáo lớn nhất thế giới, đồng hành cùng các thương hiệu như Capital One và Burger King. Giám đốc điều hành Horizon Bill Koenigsberg khi đó đã đặt câu hỏi: “Một số khách hàng biết Horizon sẽ gặp Elon Musk. Ai nấy đều thắc mắc liệu anh có đưa tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại không?”. Trước đó, Musk khẳng định không tin vào lệnh cấm vĩnh viễn của Twitter. Ông cũng chia sẻ trên trang cá nhân rằng nếu bản thân nhận được 1 USD cho mỗi lần được hỏi, Twitter sẽ trở thành “xưởng đúc tiền”.
Mọi chuyện bắt đầu từ khoảnh khắc Musk ngỏ ý mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD hồi tháng 4. Trong bức thư gửi Hội đồng quản trị, ông khẳng định nền tảng này “sẽ không thể phát triển mạnh mẽ cũng như phục vụ quyền tự do ngôn luận nếu giữ nguyên mô hình hiện tại”. Bởi vậy, nó cần được chuyển đổi thành một công ty tư nhân, ngay dưới tay Elon Musk.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu thương vụ trên không trúc trắc đến kỳ lạ. Sau khi tuyên bố tạm hoãn việc thu mua mạng xã hội với lý do...số tài khoản giả mạo chưa đến 5%, nhà sáng lập Tesla lại quay sang trấn an nhà đầu tư rằng ông vẫn theo đuổi thương vụ đến cùng. Diễn biến “theo tình tình chạy, trốn tình tình theo” sau đó tiếp tục được lặp lại nhiều lần, đến mức chính những “fan nhiệt thành” dõi theo thương vụ cũng cảm thấy quan ngại.
“Đây có thể là chiến lược đàm phán của Elon Musk khi thị trường giảm điểm mạnh”, chuyên gia nghiên cứu Toni Sacconaghi của Bernstein khi đó nhận định.
Cuối cùng, sau 6 tháng ròng kiện tụng qua lại, tỷ phú Elon Musk chính thức hoàn thành thủ tục mua lại mạng xã hội Chim Xanh. Ngỡ tưởng biến cố đã hết, song Twitter dường như vẫn chưa thoát khỏi lòng bàn tay của người đàn ông giàu nhất thế giới này.
Twitter, sau 2 tháng bước vào “Kỷ nguyên Elon Musk”, tiếp tục hoạt động theo ý thích của vị tỷ phú nọ. “Trò hề” kéo dài sự hỗn loạn, từ tòa án, trên các phương tiện truyền thông, đến chính bản thân Twitter. Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal và Giám đốc tài chính Ned Segal còn ngay lập tức bị sa thải sau khi thỏa thuận hoàn tất, đơn giản vì Musk thích như vậy.
Kể từ đó, Elon Musk sa thải nhân viên Twitter; công khai công kích chồng đại diện phát ngôn Hạ viện Mỹ, xa lánh hơn một nửa các thương hiệu quảng cáo, đồng thời hứa hẹn khôi phục tài khoản không chỉ cho cựu Tổng thống Trump mà còn cho cả những kẻ gây rối trước đây truyền bá thông tin sai lệch và kích động.
“Đây chỉ là khởi đầu. Rõ ràng, Twitter đang hoạt động tốt với ít nhân sự hơn. Chúng tôi cũng đã giảm khoảng 1/3 các tweet tiêu cực, đồng thời tăng đáng kể số lượng người dùng hàng ngày. Vậy nên Twitter thực sự đang hoạt động tốt hơn”, Elon Musk nói.
Sau khi trở thành ông chủ mới của Twitter, sáng 26/10, vị tỷ phú 51 tuổi đã tới trụ sở chính ở San Francisco với chiếc... bồn rửa bằng sứ trên tay. Trò đùa này không khiến nhân viên nền tảng xã hội cảm thấy vui vẻ. Họ còn bận lo lắng về rủi ro sa thải và những hậu quả có thể xảy ra nếu Twitter triển khai dịch vụ bán tích xanh với mức phí 8 USD/tháng.
Hầu như tất cả đội ngũ điều hành cũ của Twitter đã từ chức, sau đó được thay thế bởi một nhóm những người trung thành với Musk. Đơn cử như Calacanis, cựu giám đốc điều hành PayPal David Sacks, đối tác của Andreessen Horowitz, luật sư riêng của Musk Alex Spiro và thành viên hội đồng quản trị SpaceX Antonio Gracias. Những người này chưa từng đảm nhận vai trò chính thức tại Twitter song lại nhận đặc quyền tư vấn cho Musk mọi thứ, từ ý tưởng sản phẩm đến chủ đích sa thải nhân sự.
Musk sau đó quyết định sa thải gần 3.700 nhân sự qua email như một cách để cắt giảm chi phí sau thương vụ mua lại cũng như “đảm bảo an toàn cho từng nhân viên cũng như hệ thống Twitter và dữ liệu khách hàng”.
“Sau khi xem xét lực lượng lao động, chúng tôi nhận ra vai trò của bạn trong cơ cấu tổ chức không còn cần thiết nữa. Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của bạn tại công ty này”. Bức thư cũng giải thích rằng chi tiết quyết định sa thải và hoàn trả tài sản sẽ được đưa ra sau đó.
Nhiều người chỉ biết mình mất việc sau khi quyền truy cập các hệ thống nội bộ, chẳng hạn như email và Slack, đột ngột bị đình chỉ. Nền tảng không thể "hoạt động như bình thường" vào ngày 4/11 vì rất nhiều nhân viên bị khóa tài khoản.
“Dường như tôi thất nghiệp rồi. Vừa bị đăng xuất từ xa khỏi laptop và xóa khỏi nhóm Slack”, tài khoản một cựu quản lý cộng đồng cấp cao tại Twitter cho biết.
“Ngày thứ năm vừa qua tại văn phòng San Francisco là ngày cuối cùng Twitter vẫn là Twitter. Tôi vừa bị cắt quyền truy cập laptop”, một người dùng tên Rachel Bonn viết.
Không chỉ thanh lọc nhân sự, Musk còn yêu cầu mạng xã hội này cắt giảm 1 tỷ USD chi phí cơ sở hạ tầng hàng năm, đồng thời đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,5 triệu USD đến 3 triệu USD mỗi ngày từ máy chủ và dịch vụ đám mây. Động thái này khi đó làm dấy lên lo ngại rằng Twitter có thể “sập nguồn” trong các sự kiện lớn vì lưu lượng truy cập cao, chẳng hạn như World Cup 2022 hay cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ Mỹ.
“Nếu không có sự chuẩn bị từ trước cùng với tình trạng thiếu nhân sự như hiện tại, mùa World Cup sắp tới sẽ rất khó khăn cho Twitter”, một cựu nhân viên Twitter cho biết, sau đó ước tính có tới 90% khả năng nền tảng này sẽ xảy ra một vài sự cố như giật lag hay phản hồi chậm trong 29 ngày World Cup diễn ra ở Qatar.
Nực cười hơn, chỉ sau đó ít lâu, phía Twitter lại tiếp cận một loạt nhân viên mất việc và khẩn khoản họ quay trở lại. Việc vị tỷ phú bất ngờ đưa ra yêu cầu này chứng tỏ quá trình chiêu mộ tại Twitter diễn ra vô cùng gấp rút và hỗn loạn.
Một số được yêu cầu quay trở lại do nhầm lẫn trong quá trình thanh lọc nhân sự. Số khác thì được phía Twitter đánh tiếng vì cho rằng kinh nghiệm dày dặn của họ là điều cần thiết để xây dựng các tính năng mới cho nền tảng. Danh tính những nhân viên này hiện vẫn được giữ kín.
“Với nỗ lực đưa Twitter đi con đường lành mạnh, chúng ta sẽ trải qua giai đoạn khó khăn về việc cắt giảm nhân sự trên toàn cầu ngày hôm nay”, nội dung email gửi đến nhân viên công ty cho biết.
Theo The Verge , nhiều nhóm quan trọng chịu trách nhiệm duy trì hoạt động của Twitter đã nghỉ việc hoàn toàn hoặc gần như không còn ai. Quy mô nhân sự mạng xã hội này đang mỏng hơn bao giờ hết, qua đó tăng thêm áp lực đối với việc đảm bảo ổn định toàn hệ thống. Nếu Twitter đột ngột mất đi, hậu quả được cho là sẽ rất lớn do vai trò không thể thiếu của mạng xã hội này đối với truyền thông toàn cầu.
Theo CNN, Twitter vẫn được mệnh danh là “Quảng trường thị trấn kỹ thuật số” và không chỉ đơn giản chỉ là một trang web truyền thông xã hội. Lãnh đạo thế giới sử dụng Twitter để liên lạc. Nhà báo dùng Twitter để thu thập tin tức, trong khi những thành phần bất đồng chính kiến coi đây như một nơi để tranh luận. Người nổi tiếng và các thương hiệu lớn cũng sử dụng Twitter để đưa ra các thông báo quan trọng.
Các nền tảng mạng xã hội - với hàng tỷ tương tác của người dùng mỗi giây - được ví như những 'bộ não nhân tạo'. Twitter hiện xử lý khoảng 500-700 triệu tweet, cộng thêm khoảng 12 terabyte dữ liệu mỗi ngày. Con số này khá nhỏ so với Facebook, nhưng vẫn được coi là “núi dữ liệu” khổng lồ.
“Đây sẽ là nguồn tư liệu lớn cho các nhà sử học trong tương lai. Con người chưa bao giờ có khả năng thu thập nhiều dữ liệu đến thế trong bất kỳ giai đoạn nào”, Elise Thomas, chuyên gia phân tích của ISD, cho biết. Như vậy, Twitter bị khai tử đồng nghĩa với việc thế giới sẽ mất một lượng lớn dữ liệu.
Tuy nhiên, ở góc nhìn của Musk, quyết định sa thải có rất nhiều lợi ích, đơn cử như việc cải thiện doanh thu và trang trải hóa đơn nợ cần phải trả. Do thỏa thuận mua lại có sử dụng đòn bẩy tài chính dựa trên bảng cân đối kế toán của Twitter, khoản nợ nền tảng mạng xã hội này phải đối mặt tính đến cuối tháng 11 đã chạm mốc khoảng 13 tỷ USD, tăng từ mức 1,7 tỷ USD trước đây. Twitter cũng sẽ phải thanh toán khoản lãi suất hàng năm lên tới 1,2 tỷ USD, tăng từ mức dưới 100 triệu USD thời kỳ chưa về tay Musk.
Theo các chuyên gia, tình hình thậm chí có thể trở nên khó khăn hơn đối với Twitter do lãi suất một số khoản nợ không bị ràng buộc và sẽ tăng theo thị trường chung. Việc Twitter không có lãi trong suốt 1 năm kể từ 2019, cộng thêm tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong năm nay càng khiến công ty chật vật để trả hết nợ. Theo Bloomberg, Twitter báo lỗ ròng 270 triệu USD trong quý II/2022 và dự kiến lỗ hơn 200 triệu USD trong quý III.
Tất nhiên, Musk biết điều này. Đó là lý do vì sao CEO Tesla bất ngờ cắt giảm một lượng lớn nhân sự để hạ bớt gánh nặng chi phí. Được biết, lương thưởng dựa trên cổ phiếu cho nhân viên Twitter tiêu tốn 630 triệu USD hồi năm ngoái, tương đương 12% tổng doanh thu.
“Về việc cắt giảm lực lượng của Twitter, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác vì công ty đang lỗ hơn 4 triệu USD/ ngày,” Musk tweet.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc nhanh chóng cắt giảm chi phí có thể không phải cách tốt nhất để cải thiện lợi nhuận. Việc cắt giảm, bao gồm xóa sổ gần như hoàn toàn bộ phận marketing, truyền thông, nhân quyền và quan hệ đối tác với người nổi tiếng, có thể khiến Twitter khó giữ chân người dùng và đối tác quảng cáo.
Theo CNN, nỗ lực trấn an ngành quảng cáo - lĩnh vực vốn chiếm phần lớn hoạt động kinh doanh của Twitter, đã nhanh chóng bị lu mờ ngay từ những ngày đầu tiên Musk trở thành chủ sở hữu mới. Nhiều chuyên gia dự báo, một cuộc di cư các thương hiệu quảng cáo lớn có thể sẽ sớm diễn ra.
“Tôi nghĩ các nhà quảng cáo sắp rời đi thôi. Đó rất có thể là một bước ngoặt địa chấn đối với lĩnh vực này”, Claire Atkin, đồng sáng lập cơ quan giám sát công nghệ kiểm tra quảng cáo nhận định.
Bằng chứng là General Motors, hãng sản xuất xe hơi cạnh tranh với Tesla của Elon Musk đã tuyên bố tạm dừng quảng cáo trên Twitter như một phần của kế hoạch đánh giá lại sức mạnh của nền tảng mạng xã hội. CNN liên hệ với hơn 10 thương hiệu hiện đang quảng cáo trên Twitter, song gần như không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Trong khi đó, Toyota, một đối thủ cạnh tranh khác của Tesla cho biết họ đang “thảo luận với các bên liên quan và theo dõi thêm tình hình”. Ben & Jerry's thì úp mở “tại thời điểm này, chúng tôi chưa xem xét thực hiện bất kỳ hành động nào”.
Tập đoàn quảng cáo khổng lồ Interpublic Group (IPG) khuyến khích khách hàng tạm dừng quảng cáo trên Twitter trong khi chờ đợi động thái tiếp theo của Musk. Thông báo trích trong bản ghi nhớ nội bộ gửi tới các nhân viên của IPG - những người thường xuyên tiếp xúc với các nhãn hàng lớn, bao gồm Coca Cola, Johnson & Johnson, Spotify, Unilever…
Mọi thứ đang gây áp lực lên Musk - người trước giờ vẫn giữ quan niệm “đánh nhanh thắng nhanh”. Nợ nần và sự hỗn loạn Twitter đang phải đối diện sẽ khiến vị tỷ phú này không còn có thể vung tiền xa hoa theo bất kỳ cách nào.
Theo trang Livemint, chỉ trong vòng 7 ngày, Elon Musk đã công bố áp dụng tới 7 thay đổi khác nhau đối với Twitter và phần lớn trong số đó đi kèm với khá nhiều tranh cãi. Người ta lúc này bắt đầu lo sợ tương lai cho Twitter, nhất là khi Elon Musk - người đang hứng chịu nhiều chỉ trích sau những thay đổi về chính sách vừa tạo cuộc thăm dò trên mạng xã hội để hỏi người dùng rằng liệu ông có nên từ bỏ vai trò là người đứng đầu Twitter hay không.
“Tôi có nên từ chức lãnh đạo Twitter không? Tôi sẽ làm đúng theo kết quả của cuộc thăm dò này”, Musk đăng tải và nói lời xin lỗi, đồng thời thông báo trong tương lai, ông sẽ tổ chức các cuộc bỏ phiếu trước khi ra quyết định.
Sau khoảng 10 giờ đồng hồ, bài đăng thăm dò đã có gần 5 triệu lượt vote, trong đó, có 57,8% đồng tình rằng Musk nên rời vị trí. Theo Forbes , đây là một trong những động thái “điên rồ” nhất mà Musk từng thực hiện bởi quá tự tin về sự ủng hộ xung quanh mình.
Trước đó, tại Tòa án Chancery bang Delaware (Mỹ), vị tỷ phú giàu nhất thế giới cũng đã có phát ngôn gây tranh cãi tương tự: “Thật lòng mà nói tôi không muốn làm CEO của bất kỳ công ty nào”, Musk khẳng định.
Theo The Verge, Musk đã giải thích lý do vì sao luôn cảm thấy khó chịu với chức danh “Giám đốc điều hành”, đồng thời lưu ý rằng ông không coi vai trò của mình như một Giám đốc điều hành thông thường.
“Tại SpaceX, tôi chịu trách nhiệm về kỹ thuật chế tạo tên lửa. Tại Tesla, tôi chịu trách nhiệm về công nghệ hỗ trợ”, Musk nói. “Giám đốc điều hành thường tập trung vào hoạt động kinh doanh, trong khi trên thực tế, vai trò của tôi lớn hơn nhiều, vượt qua cả vai trò của một kỹ sư phát triển công nghệ. Tôi phải đảm bảo công ty đang phát triển tốt các công nghệ đột phá và có một đội ngũ kỹ sư tuyệt vời có thể hiện thực hóa những mục tiêu đó.”
Cũng tại phiên điều trần, Elon Musk khẳng định sẽ không đảm nhận vai trò CEO Twitter mãi mãi: “Tôi tính sẽ giãn dần thời gian tại Twitter và tìm một Giám đốc điều hành khác”, Musk nói.
Kết lại, theo các chuyên gia, nhiều biến động vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, trong bối cảnh Elon Musk đang trong quá trình miệt mài định hình lại tầm nhìn cho mạng xã hội, đúng hệt như những gì ông từng thừa nhận: “Xin lưu ý rằng Twitter sẽ làm rất nhiều thứ ngốc nghếch trong thời gian tới”.
Theo: CNBC, Bloomberg, WSJ
Lấy link