|
Một mẫu smartphone có thể tháo nắp lưng để thay pin. Ảnh: NextPit. |
Sau khi yêu cầu tất cả smartphone trang bị cổng sạc USB-C, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất quy định nhắm vào khả năng tái chế và bảo vệ môi trường của các loại pin sạc.
Quy định được áp dụng cho toàn bộ vòng đời của pin, từ khai thác nguyên liệu đến khi bị tiêu hủy. Trong đó, các hãng điện thoại, laptop cần thiết kế sản phẩm có pin tháo rời hoặc thay dễ dàng, bằng cách gỡ nắp lưng hoặc ốc vít.
Theo XDA, quy định cũng yêu cầu mỗi viên pin được dán nhãn và mã QR, chứa thông tin về dung lượng, công suất, độ bền, thành phần hóa học và biểu tượng "rác thu gom riêng".
EU cũng sẽ yêu cầu các nhà sản xuất soạn thảo chính sách thẩm định nhằm giải quyết rủi ro xã hội và môi trường liên quan đến tìm nguồn cung ứng, xử lý, kinh doanh nguyên liệu thô và nguyên liệu thứ cấp cho pin. Quy định cũng đặt ra tỷ lệ nguyên liệu tái chế tối thiểu để sản xuất pin mới, gồm 16% coban, 85% chì, 6% lithium và 6% niken.
Từ năm 2024, các nhà sản xuất phải báo cáo tổng lượng khí thải carbon trong pin, từ giai đoạn khai thác nguyên liệu đến khi tái chế. Dữ liệu sau đó được dùng để đặt giới hạn CO2 tối đa, dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2027.
Nếu được thông qua, quy định của EU sẽ áp dụng cho hầu hết loại pin, từ pin điện thoại di động, ắc quy SLI dùng trong xe hơi, ắc quy cho phương tiện giao thông hạng nhẹ (LMT), pin xe điện và pin công nghiệp.
Để hỗ trợ tái chế hiệu quả, EU yêu cầu ít nhất 45% lượng pin di động cũ phải được thu gom đến năm 2023, 63% vào năm 2027 và 73% vào năm 2030. Với pin LMT, con số trên là 51% vào năm 2028 và 61% vào năm 2031.
|
Một chiếc iPhone được tháo màn hình bằng công cụ chuyên dụng để sửa chữa. Ảnh: Apple. |
Pin thay thế từng là tiêu chuẩn trên điện thoại nhưng hiện không còn phổ biến. Với những smartphone dạng thanh, các nhà sản xuất có thể dễ dàng tinh chỉnh thiết kế để đáp ứng quy định của EU.
Tuy nhiên với smartphone gập, điều đó không dễ dàng bởi chúng thường trang bị 2 viên pin, nằm 2 bên để cân bằng không gian và khối lượng. Những viên pin được nối bằng dây cáp, không dễ tiếp cận với người dùng..
Trong trường hợp quy định được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua, các nhà sản xuất smartphone sẽ có 3,5 năm để thiết kế sản phẩm cho phép thay pin dễ dàng.
"Chúng tôi đã nhất trí các biện pháp mang lại lợi ích cho người dùng: pin sẽ hoạt động tốt, an toàn và dễ tháo lắp hơn", đại biểu EU Achille Variati cho biết. Theo ông, mục tiêu của EU là xây dựng ngành công nghiệp tái chế hiệu quả, đặc biệt đối với pin lithium.
"Những biện pháp này có thể trở thành tiêu chuẩn cho thị trường pin toàn cầu", ông Variati nói thêm.
(Theo Zing)